Phát triển mô hình trang trại, gia trại ở Vĩnh Linh

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/06/2018 09:25 - Người đăng bài viết: admin
Huyện Vĩnh Linh có nhiều vùng đất khác nhau. Trong tổng 21.400 ha có khả năng sản xuất nông nghiệp, có 8.200 ha đất gò đồi sa phiến thạch nằm ở phía tây của huyện; 5.300 ha đất đỏ ba dan nằm ở vùng đông và 4.200 ha đất cát nằm ở phía đông - bắc huyện. Diện tích trồng lúa toàn huyện chỉ có 3.700 ha, trong đó 1.000 ha chỉ gieo cấy một vụ. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, huyện Vĩnh Linh đầu tư phát triển các mô hình kinh tế gia trại và trang trại tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, có tính bền vững.
Mô hình lúa chất lượng cao tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh

Mô hình lúa chất lượng cao tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh qua các kỳ đại hội đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Việc tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm trở lên…là điều kiện thuận lợi để các hộ mở rộng đầu tư thâm canh, xây dựng các mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập cao, thực hiện sản xuất nông nghiệp đa dạng, thâm canh, chuyên canh, cải tạo môi trường sinh thái, kết hợp với xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp.

 

Bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội Nông dân huyện đã xây dựng chương trình hành động và triển khai đến tất cả cán bộ, hội viên trong toàn huyện; đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo hướng xây dựng các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Để giúp hội viên chủ động trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân ứng dụng các quy trình sản xuất theo công nghệ mới, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nông dân biết cách quản lý tốt việc du nhập giống vật nuôi, cây trồng, cách chăm sóc, bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi được ứng dụng tích cực vào quá trình đầu tư thâm canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân huyện còn đứng ra tín chấp với các công ty, nhà máy sản xuất phân bón, thức ăn gia súc… cung ứng hàng chục ngàn tấn vật tư nông nghiệp cho nông dân sản xuất, chăn nuôi. Trong 5 năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện đã tín chấp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT vay vốn cho hội viên phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2017, số tiền vay lên đến gần 160 tỷ đồng, cho 4.508 hộ vay vốn. Vay Quỹ hỗ trợ nông dân gần 2,7 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương trên 1,9 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 500 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện và cấp xã trên 340 triệu đồng. Nhờ vậy, phong trào phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa được nông dân tích cực hưởng ứng, số hộ xây dựng mô hình trang trại ngày càng nhiều. Tính đến đầu năm 2018, toàn huyện có 4.300 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, hàng trăm gia trại, trang trại đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh và trung ương.

 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành liên quan mở 645 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 30.562 lượt hội viên nông dân, phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở 56 lớp dạy nghề ngắn hạn, thu hút 1.594 hội viên nông dân tham gia. Vận động nông dân tiếp tục thực hiện việc dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho việc đầu tư, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa. Tiêu biểu là việc chuyển đổi đất màu, đất trồng cây cao su bị đổ gãy năm 2013 sang trồng tiêu ở phía đông huyện với mức tăng bình quân mỗi năm trên 100 ha.

 

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập cao và ngày càng được nhân rộng như các mô hình cá - lúa ở các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy cho thu nhập 100 - 130 triệu đồng/ha/năm; thâm canh lúa chất lượng cao ở các xã vùng trọng điểm lúa thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha/ năm, lúa - cá - lợn ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp, Vĩnh Long cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm, nuôi tôm thẻ, tôm sú ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành, trồng ném xen lạc thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm, quy vùng đất trồng cây hồ tiêu cho thu nhập ước đạt 400 triệu đồng/ha/năm. Vĩnh Linh đang thử nghiệm mô hình trồng ném trên lưới xăngtylen, trồng dứa nguyên liệu tại các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy; trồng rau, củ, quả sạch theo phương pháp thủy canh và trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng có hệ thống tưới tự động tại xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú.

 

Xuất phát từ hiệu quả và tính bền vững từ các mặt hàng nông sản, Vĩnh Linh đã xây dựng các vùng chuyên canh nhằm tạo thuận lợi trong việc xây dựng các cơ sở kinh doanh chế biến nông- lâm- thủy sản trong huyện. Nông dân Vĩnh Linh vốn có truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Với trình độ dân trí ở vùng nông thôn ngày càng phát triển thì việc áp dụng các tiến bộ mới, từ khoa học kỹ thuật đến chọn giống, đầu tư thâm canh sẽ không ngừng được tăng cường. Đây chính là hướng phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững cho nông dân ở vùng nông thôn.

Tác giả bài viết: Phương Mai
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 272
  • Tháng hiện tại: 28904
  • Tổng lượt truy cập: 4188676