Những khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại ở Hướng Hóa

Đăng lúc: Thứ hai - 13/11/2017 21:08 - Người đăng bài viết: admin
Trước đây, Hướng Hóa được biết đến là một trong những huyện ở tỉnh Quảng Trị có số lượng trang trại khá lớn, làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, đối chiếu với các tiêu chí mới tại Thông tư 27/2011/TTBNNPTNT, ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì hiện nay trên địa bàn huyện hầu như không có trang trại nào đạt chuẩn. Do đó, làm thế nào để xây dựng và thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển vẫn là vấn đề đang được địa phương quan tâm.
Nhiều người dân ở Hướng Hóa đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế từ gia trại thành trang trại

Nhiều người dân ở Hướng Hóa đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế từ gia trại thành trang trại

Gia trại của anh Trương Sỹ Hướng ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo là một trong số gia trại có quy mô lớn ở huyện Hướng Hóa. Nắm bắt lợi thế về đất đai và khí hậu ở địa phương phù hợp để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, hơn 10 năm trước anh Hướng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà, ngan, 3.000m2 ao cá, 1 ha mía (mía tím và mía đường), cây ăn quả… trên tổng diện tích 2 ha. Quá trình trồng trọt, anh Hướng chỉ dùng phân chuồng hoai mục để bón cho cây. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh lãi trên 250 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT thì tiêu chí xác định kinh tế trang trại phải có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu 2,1 ha; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm nên kể từ năm 2011 trở lại đây, mô hình kinh tế của anh Hướng chỉ được xếp là gia trại. Trường hợp nếu gia trại của anh đủ quy mô diện tích nói trên thì vẫn khó đạt được mức doanh thu bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/năm nên anh không thể vay được số vốn lớn để mở rộng sản xuất, kinh doanh được.

 

Anh Hướng chia sẻ: “Gia trại của tôi chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn thị trấn Lao Bảo và một số khách hàng trong huyện. Nhờ hàng hóa đảm bảo chất lượng, làm ăn có uy tín nên hầu như các sản phẩm của gia trại tôi đều hiếm khi tồn đọng. Tôi rất muốn phát triển kinh tế trang trại nhưng sau khi tìm hiểu các tiêu chí mới về xây dựng trang trại thì quá khó thực hiện, nhất là về đất đai và vốn sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Do đó, hiện nay tôi chỉ tập trung để duy trì và phát triển gia trại tốt hơn”.

 

Cũng như anh Hướng, nhiều người làm kinh tế gia trại ở Lao Bảo khó có thể vươn lên xây dựng trang trại, bởi lẽ ngoài tiêu chí quy định về diện tích trên mức hạn điền tối thiểu thì các cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

 

Ông Lê Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Lao Bảo có nhiều gia trại làm ăn hiệu quả như mô hình nuôi bò vỗ béo, phát triển bò sinh sản, chăn nuôi dê đàn và một số gia trại tổng hợp, đặc biệt là có một số hộ dân mượn đất ở Lào trồng chuối mang lại thu nhập cao. Bình quân của mỗi gia trại ở thị trấn thu nhập đạt từ 200 - 400 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển từ gia trại lên trang trại, nếu thực hiện theo các tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định thì thị trấn gặp một số khó khăn như thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học- kỹ thuật, đầu ra sản phẩm bấp bênh, giá cả thị trường không ổn định… Để phát triển kinh tế trang trại ở Lao Bảo nói riêng, ở huyện Hướng Hóa nói chung, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ người dân về khoa học- kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn vay ưu đãi…”.

 

Tân Long là địa bàn chuyên sản xuất nông nghiệp nên phát triển trang trại là rất phù hợp. Tuy nhiên, cũng như ở Lao Bảo, địa phương này gặp không ít khó khăn để xây dựng thành công mô hình kinh tế này. Trong những năm gần đây do điều kiện thị trường về giá cả nông sản không ổn định, đầu ra sản phẩm bấp bênh nên việc đầu tư xây dựng trang trại trên địa bàn còn cầm chừng. Trước tình hình đó, một số người dân đã chuyển đổi mô hình trồng cây chuối sang cây dược liệu hoặc cây ăn quả. Song họ cũng khó có thể phát triển kinh tế từ gia trại thành trang trại nếu dựa trên các tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Ông Võ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: “Hiện nay, chủ trương của địa phương là vận động người dân chuyển đổi từ mô hình kinh tế gia trại sang mô hình kinh tế trang trại để có điều kiện phát triển vừa chăn nuôi vừa kết hợp với cây nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hiện toàn xã có 40 gia trại, trong đó có 12 gia trại lớn có khả năng chuyển đổi sang trang trại nhưng số gia trại này vẫn còn vướng về tiêu chí đất đai và vốn. Trong khi đó, xã lại khó đảm bảo cho người dân về các điều kiện này, đặc biệt là hiện nay nguồn quỹ đất của địa phương còn rất hạn chế”.

 

Trước đây, toàn huyện Hướng Hóa có 174 trang trại, trong đó có khoảng 100 trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt, 50 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại phát triển kinh tế rừng và 14 trang trại tổng hợp. Nhiều trang trại được đầu tư bài bản, làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, nếu căn cứ các tiêu chí của Thông tư 27 thì hiện nay huyện không có trang trại nào đạt chuẩn.

 

Khó khăn hiện nay của huyện là nếu người dân nào muốn phát triển thành trang trại trồng rừng thì phải đảm bảo trên 31 ha đất nhưng thẩm quyền cấp đất của UBND huyện cho hộ cá thể chỉ dưới 30 ha, còn trên 30 ha thuộc cấp trên quyết định; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh khá bài bản nhưng diện tích đất không đạt ở mức tối thiểu 2,1 ha; một số hộ có đất nhưng thiếu vốn để đầu tư... Mặc dù không đạt các tiêu chí mới nhưng số gia trại trên địa bàn huyện phát triển tương đối có hiệu quả.

 

Dẫu biết rằng vươn lên đạt các tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT không hề dễ dàng nhưng hiện nay nhiều người dân ở Hướng Hóa vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia trại thành trang trại. Vì một khi được cấp giấy chứng nhận trang trại, chủ trang trại sẽ được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản để thực hiện phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP với mức tối đa đến 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, họ còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như đất đai, thuế, lao động, khoa học công nghệ...

 

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Mặc dù hiện nay địa phương chưa có trang trại nào đạt chuẩn nhưng huyện vẫn có chủ trương khuyến khích người dân duy trì và phát triển gia trại, từng bước mở rộng và nâng cao để đạt tiêu chí trang trại. Theo đó, khuyến khích phát triển nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; có chính sách hỗ trợ chủ gia trại tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Hiện nay, huyện đang tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương; kêu gọi sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân. Qua đó, vừa củng cố phát triển kinh tế gia trại vừa tạo ra một số sản phẩm mới tạo chuỗi thu nhập giá trị tăng thêm trên địa bàn. Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng sắn, chuối, cà phê kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như gừng, nghệ, cây dược liệu…”.

Tác giả bài viết: Kô Kăn Sương
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 14
  • Hôm nay: 3219
  • Tháng hiện tại: 47141
  • Tổng lượt truy cập: 3809897