Để phát triển tốt thương hiệu “Gạo Hải Lăng”

Đăng lúc: Thứ tư - 20/02/2019 20:43 - Người đăng bài viết: admin
Những năm qua, huyện Hải Lăng đã chú trọng phát triển sản xuất lúa hàng hóa. Nhằm phát triển bền vững sản xuất lúa, ngoài các yếu tố ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thì việc xây dựng thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị và mở rộng thị trường sản phẩm gạo Hải Lăng. Xác định tầm quan trọng đó, năm 2015, huyện Hải Lăng chỉ đạo các địa phương sản xuất trên địa bàn thống nhất lựa chọn đơn vị điển hình làm đại diện đăng kí xây dựng thương hiệu “Gạo Hải Lăng” để được bảo hộ trên toàn quốc.
Đưa cơ giới vào thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa ở Hải Lăng​

Đưa cơ giới vào thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa ở Hải Lăng​

Ban đầu xuất phát từ loại gạo Bồ đề 688- X2 của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế, sau đó huyện chủ trương mở rộng ra trong phạm vi 12 xã và thống nhất chọn mỗi xã 1 HTX để tham gia vào danh sách chủ thể đăng kí nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng”. Đồng thời, chọn 3 giống lúa chủ lực là Bồ đề 688 - X2; Ma lâm 48 và Thiên ưu 8 đại diện để xây dựng đăng kí nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Gạo Hải Lăng”. HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long là đơn vị được đứng tên chủ thể đăng kí nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng”.

 

Các xã, các HTX đã tích cực triển khai và phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc đăng kí gửi Cục Sở hữu trí tuệ. Đến ngày 8/9/2017 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể số 287649 theo quyết định số 62133/QĐ- SHTT. Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ trên toàn quốc trong 10 năm và sau đó có thể gia hạn. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng” gồm 12 HTX là: Diên Khánh (Hải Dương), Hưng Nhơn (Hải Hòa), Lam Thủy (Hải Vĩnh), Đông Trường (Hải Trường), Tiền Phong Đông (Hải Thiện), Đại An Khê (Hải Thượng), Thọ Bắc (Hải Thọ), Hà Lộc (Hải Sơn), Cổ Lũy (Hải Ba), Phước Điền (Hải Thành), Văn Quỹ (Hải Tân) và Kim Long (Hải Quế). Các thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể này phải đáp ứng các yêu cầu như: Có sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm gạo ổn định trên địa bàn huyện Hải Lăng; chỉ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo được trồng trên địa bàn huyện Hải Lăng; đối với mỗi HTX thành viên tham gia phải có sản lượng gạo mỗi giống lúa ổn định trên 20 tấn/năm/HTX; sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng” phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo đúng các quy định về màu sắc, mùi vị đặc trưng của từng loại gạo, trạng thái khô rắn chắc, không có côn trùng nhìn thấy bằng mắt thường, không có tạp chất lạ, độ ẩm dưới 14,5%, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm… Các thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể không đáp ứng được các yêu cầu về việc sử dụng nhãn hiệu sẽ bị đình chỉ chấm dứt việc sử dụng. Các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng nhãn hiệu phải đăng ký với HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long (gọi tắt là HTX Kim Long) để trở thành thành viên của tập thể sở hữu nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng”. HTX Kim Long có trách nhiệm đăng kí với cơ quan quản lí nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa để bổ sung thành viên…

 

Sau gần 2 năm đăng ký thành công thương hiệu “Gạo Hải Lăng” đã bước đầu mang lại hiệu quả. Khách hàng nhiều nơi trong cả nước bắt đầu biết đến và sử dụng gạo Hải Lăng, nhất là người Quảng Trị ở khắp mọi miền đất nước. Đơn đặt hàng gạo sạch Hải Lăng bắt đầu nhiều hơn trước, đáng kể nhất là các giống lúa mới. Vụ đông xuân 2018- 2019, HTX Kim Long nhận được nhiều đơn đặt hàng lúa tím với tổng sản lượng 100 tấn nhưng năng lực sản xuất của HTX mới chỉ đáp ứng được 50 tấn. Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Gạo Hải Lăng bắt đầu được người tiêu dùng trong nước biết đến một phần cũng nhờ xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, sản phẩm gạo sạch, gạo chất lượng cao được tiêu thụ tốt nhưng với năng lực tiếp thị của HTX thì mới tiêu thụ được mức độ vừa phải. Do đó cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp trong vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo”.

 

Hiện tại, nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng” được bảo hộ trên toàn quốc, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, các thành viên sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa khai thác tốt thương hiệu này. Gạo Hải Lăng vẫn chưa mở rộng được thị trường mà nguyên nhân là do còn thiếu các yếu tố quan trọng trong phát triển sản phẩm gạo hàng hóa như hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, nhãn các, bao bì, quảng bá sản phẩm…

 

Cuối năm 2018, huyện Hải Lăng đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển tốt thương hiệu “Gạo Hải Lăng”. Theo đó, các giải pháp mà huyện đưa ra là: Thành lập đơn vị chủ thể trực tiếp quản lí, thực hiện việc phát triển thương hiệu “Gạo Hải Lăng”, tức là thành lập HTX sản xuất gạo Hải Lăng trên cơ sở hình thành từ 12 HTX thành viên hoặc Hội sản xuất gạo hoặc công ty cổ phần sản xuất gạo trên địa bàn huyện. Đồng thời tiếp tục phát triển vùng sản xuất tập trung đảm bảo nguyên liệu đầu vào có quy mô, đáp ứng yêu cầu kĩ thuật tiêu chuẩn chất lượng quy định, trong đó đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả cánh đồng lớn trên toàn huyện, tiến đến sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa chất lượng cao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị trong sản xuất lúa cũng như hệ thống máy móc thiết bị bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như hệ thống máy sấy lúa, máy xay bóc vỏ trấu, máy đánh bóng gạo, máy lọc gạo, máy hút chân không, máy đóng bao bì…Bên cạnh đó, huyện cũng cần hỗ trợ công tác quy hoạch, đất đai, mặt bằng kho bãi, sân phơi, nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản tập trung có quy mô.

 

Dựa trên logo “Gạo Hải Lăng” đã được bảo hộ, huyện tiếp tục tiến hành thiết kế các mẫu bao bì đựng các trọng lượng gạo khác nhau (từ 1- 50 kg), in ấn mẫu bao bì và đóng gói bao bì sản phẩm. Hỗ trợ việc lập hồ sơ đảm bảo hoạt động lưu thông sản phẩm trên thị trường như: Đăng kí mã số, mã vạch sản phẩm, phân tích, kiểm nghiệm sản phẩm, hồ sơ về chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa, công bố chất lượng phù hợp quy định an toàn thực phẩm… Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên doanh, kết nối với các đơn vị tiến hành bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm và tổ chức làm việc với các đơn vị kết nối, thu mua lúa gạo; đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi, kí gửi các siêu thị, hình thành cửa hàng giới thiệu sản phẩm, phân phối gạo sạch trên địa bàn huyện và tỉnh, thành lập Tổ xúc tiến sản phẩm gạo nói riêng và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện nói chung. Cần thu hút đầu tư các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gạo như nhà máy chế biến sữa từ gạo, chế biến mì, bánh phở…Tổ chức học tập kinh nghiệm sản xuất, quản lí và phát triển thương hiệu gạo của một số địa phương trong và ngoài tỉnh lân cận như nhà máy gạo Thành Châu, gạo Châu Tiến (Quảng Bình), gạo thơm Thủy Thanh (Huế)… Là đơn vị chủ thể đăng kí nhãn hiệu, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long cần phát huy vai trò chủ thể đối với các thành viên trong việc thực hiện Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gạo Hải Lăng” nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ thể và các thành viên như đã cam kết…

 

Với những giải pháp tích cực trên, hi vọng thương hiệu “Gạo Hải Lăng” sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước và có thể tham gia xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Tác giả bài viết: Võ Thái Hòa
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 2684
  • Tháng hiện tại: 32047
  • Tổng lượt truy cập: 3794803