Chú trọng hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/12/2017 08:08 - Người đăng bài viết: admin
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng nhằm làm thay đổi tập quán sản xuất đã có từ lâu đời, tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Đào tạo nghề cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn.
Dạy nghề chế biến giá đỗ cho phụ nữ nông thôn. Ảnh: CTV

Dạy nghề chế biến giá đỗ cho phụ nữ nông thôn. Ảnh: CTV

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 19/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 76/2013 thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/2012 “Về chương trình mục tiêu việc làm, dạy nghề giai đoạn 2012-2015”. Trước đó, UBND tỉnh đã có Quyết định 1080/2011 về ban hành “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quảng Trị giai đoạn 2011-2020”.

Để công tác dạy nghề đi vào nền nếp, Sở Lao độngThương binh và Xã hội đã thành lập Phòng Dạy nghề; các huyện như Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị bố trí cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề. Trên địa bàn tỉnh có 28 trường, trung tâm, cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề. Có 189 cán bộ, giáo viên, trong đó giáo viên biên chế 99 người, giáo viên hợp đồng 90 người cùng tham gia dạy nghề. Bên cạnh các cơ sở của nhà nước, tư nhân còn có cơ sở dạy nghề của tôn giáo. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề có bước phát triển về số lượng và phân bố rộng khắp các địa phương. Để có cơ sở pháp lý cho công tác đào tạo nghề, UBND tỉnh đã phê duyệt 79 nghề thuộc danh mục đào tạo cho lao động nông thôn, bao gồm 41 nghề nông nghiệp, 38 nghề phi nông nghiệp. Xây dựng 44 bộ chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn, bao gồm 6 nghề phi nông nghiệp, thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên; 5 nghề phi nông nghiệp và 33 nghề nông nghiệp, thời gian đào tạo dưới 3 tháng.

 

Báo cáo với Đoàn công tác liên ngành của Trung ương tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vào cuối tháng 10 vừa qua về kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 19/2012 của Ban Bí thư, cho biết: Trong những năm qua việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất dạy nghề được quan tâm. Trong giai đoạn 2012-2016 đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hơn 125 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 50,9 tỉ đồng; ngân sách địa phương 19,9 tỉ đồng, nguồn khác 54,4 tỉ đồng. Nội dung dạy nghề tập trung vào khâu thực hành và được tổ chức tại các địa phương, cơ sở sản xuất, thời gian mỗi khóa học không kéo dài và được bố trí vào thời điểm nông nhàn. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở dạy nghề. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở để việc dạy nghề cho lao động nông thôn thiết thực, hiệu quả.

 

Cũng theo báo cáo của ngành chức năng thời gian qua toàn tỉnh triển khai 12 mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó 7 mô hình mang lại hiệu quả, được nhân rộng như mô hình trồng ném tại huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh cho thu nhập 40-50 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa ở các phường ven đô Đông Hà với diện tích 10 ha cùng với một số xã như Gio Châu (Gio Linh), Triệu Thành, Triệu Đông (Triệu Phong), Tân Hợp (Hướng Hóa); mô hình trồng sắn tại các xã vùng Lìa; kỹ thuật chế biến nước mắm tại xã Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong); sản xuất nón lá tại xã Hải Tân, Hải Xuân (Hải Lăng). Trong giai đoạn 2012- 2016 các đơn vị, địa phương đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 37.000 người, trong đó hệ trung cấp 2.272 người; sơ cấp và chứng chỉ nghề 34.729 người. Nhờ đó góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,13%; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 34%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 28,05%.

 

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành Trung ương cho biết, trong 2 năm gần đây, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Trị đã gắn với cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh, nhất là sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 thì việc dạy nghề cũng gắn với thế mạnh của từng vùng, miền, có thể quy mô không lớn nhưng mang lại giá trị cao cho người lao động...

 

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đối với công tác dạy nghề nói chung, dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng; nhận thức của người dân về học nghề chưa đầy đủ, một số tham gia học nghề mang tính phong trào. Chất lượng dạy nghề nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu của thị trường lao động; số lượng người có việc làm mới, nhất là việc làm phi nông nghiệp còn thấp. Số lượng lao động nông thôn thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật tham gia học nghề chưa nhiều. Một số địa phương chưa bố trí ngân sách để hỗ trợ cho việc dạy nghề; sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, công tác dạy nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động chưa được chú trọng; ở một số nơi đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn mang tính hình thức; một số người học nghề chưa có định hướng rõ ràng. Công tác điều tra, khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề có nơi chưa sát với thực tế, có tình trạng lúng túng khi định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nguồn lực đầu tư cho các cơ sở dạy nghề khá lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng…

 

Trong thời gian tới cần nhận thức rằng đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem như một giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, hạn chế thất nghiệp, nâng cao dân trí, góp phần đưa lao động tham gia vào thị trường các nước ASEAN và các thị trường khác. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội, gắn với mục tiêu xuất khẩu lao động và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng đào tạo nghề gắn với các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án triển khai ở Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

 

Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 28%, trên 80% lao động sau khi học nghề có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất hiệu quả cao hơn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác dạy nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên dạy nghề…

Tác giả bài viết: H.N.B
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 516
  • Tháng hiện tại: 40794
  • Tổng lượt truy cập: 3757295