Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đặc biệt là do: Nhận thức của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp uỷ đảng và chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn lúng túng, hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, thiếu cụ thể, hiệu quả chưa cao. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy đã có nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, còn nhiều bất cập, không thống nhất, thiếu chặt chẽ, phân tán, hoạt động chưa hiệu quả; ở một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tính chất tổ chức, hoạt động của hợp tác xã; hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa sâu sát, chưa thường xuyên. Việc đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể còn phiến diện, thiên về mặt kinh tế, chưa chú ý đúng mức đến mặt chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường,... dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu; đội ngũ cán bộ hợp tác xã cơ bản chưa được đào tạo chuyên sâu. Việc tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể chưa kịp thời; tâm lý xã hội nói chung còn rất e ngại đối với kinh tế tập thể; thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm lẫn nhau hoặc trông chờ sự trợ cấp của Nhà nước.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Hội nghị Trung ương năm đã thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những
kết quả quan trọng đã đạt được của kinh tế tập thể nước ta trong suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các cá nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế hợp tác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn của nền kinh tế; có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể phải toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; về hiệu quả của tổ chức và của các thành viên.
Phải nhận thức rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
thường xuyên, quan tâm, phát triển, nâng cao, hiệu quả, kinh tế, tập thể, hợp tác, nòng cốt, hợp tác xã, thành phần, quan trọng, nhà nước, ngày càng, trở thành, nền tảng, vững chắc
Ý kiến bạn đọc