Tạo vùng nguyên liệu cho làng nghề chổi đót Văn Phong

Đăng lúc: Thứ năm - 14/11/2013 09:52 - Người đăng bài viết: trantrongtuan
Làng nghề chổi đót Văn Phong, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) có 84 hộ, 420 nhân khẩu, 190 lao động. Ngoài nghề chính là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, Văn Phong có nghề làm chổi đót được hình thành, du nhập từ năm 1993 (tiền thân là HTX chổi đót xuất khẩu Trung Hải), đến nay nghề này được duy trì và phát triển có hiệu quả.
Tạo vùng nguyên liệu cho làng nghề  chổi đót Văn Phong

Tạo vùng nguyên liệu cho làng nghề chổi đót Văn Phong



Trong thôn có 43 hộ làm chổi đót, 85 lao động tham gia với mức thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/lao động/năm (1,8 đến 2,2 triệu đồng/lao động/ tháng). Tuy nhiên thời gian qua, các hộ sản xuất nghề đót gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, đầu ra sản phẩm nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế khiến nghề chổi đót đứng trước nguy cơ bị mai một.
Ông Hồ Đại Nam, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “UBND huyện đã triển khai đề án khôi phục phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho làng nghề chổi đót phát triển bền vững, giảm chi phí mua nguyên liệu đót cho các hộ dân. Đồng thời khai thác có hiệu quả diện tích đất đai chưa sử dụng dưới đường điện cao thế Bắc-Nam”.

Theo thống kê, làng nghề sẽ có nhu cầu mỗi năm hơn 80- 100 tấn đót khô nguyên liệu. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu đót tự nhiên trên địa bàn huyện hiện nay đã cạn kiệt, các hộ dân phải đi khai thác rất xa ở các vùng rừng thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng mỗi năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 tấn, còn lại khoảng 80 tấn do không có vốn để mua dự trữ ngay từ đầu vụ nên phải mua qua các thương lái với giá cao, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp. Theo đề án, Hợp tác xã trồng thử nghiệm cây đót tự nhiên trên vùng đồi xã Hải Chánh với diện tích 2 ha, thống kê sản lượng thu hoạch hàng năm để đánh giá kết quả. Nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng với diện tích lớn hơn nhằm tạo vùng nguyên liệu tại chỗ, chủ động cung cấp cho làng nghề phát triển bền vững.

Ông Trần Thắng Thừa, Chủ nhiệm HTX Văn Phong cho biết: “Giống cây đót sử dụng từ cây đót mẹ mọc tự nhiên ở các khu rừng xung quanh đến địa điểm trồng khoảng 3.000-5.000 m. HTX cho xã viên chọn những cây mạnh khỏe có khả năng phát triển tốt, đào lấy nguyên khóm. Thực bì được xử lý bằng thủ công, phát toàn diện, đốt và dọn sạch trước khi làm đất từ 10-15 ngày, đảm bảo gốc phát nhỏ hơn 20 cm. Khi đốt thực bì phải có phương án PCCC, đảm bảo không để cháy lan rộng, làm đường băng cản lửa và bố trí người canh gác, không để lửa cháy thành ngọn lớn để không ảnh hưởng đến an toàn đường dây cao áp 500 kV và gây cháy rừng trồng, rừng tự nhiên xung quanh khu vực thi công.

Các xã viên tuân theo sự chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn trong thực hiện đề án. Cuốc hố hàng cách hàng 2 m, hố cách hố 2 m, đào hố trước khi trồng 15 ngày. Cự ly trồng: hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m. Mật độ trồng: 2.365 khóm/ha. Kỹ thuật trồng trộn đều đất và phân trong hố, lấp đất mặt đầy hố, sau đó tạo thành lỗ đủ để đặt khóm đót giống và lấp kín đất mặt bằng miệng hố, đường kính rộng xung quanh cây khoảng 50 cm”.

Thời vụ trồng đót vào cuối tháng 10/2012, vụ tiếp theo từ tháng 8/2013. Dự tính thu hoạch lần đầu từ tháng 12/2013. Đề án đã đưa ra các biện pháp bảo vệ rừng đót như ngăn chặn người và gia súc vào rừng phá hoại, tăng cường lực lượng kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó cũng có biện pháp bảo vệ và phòng chống cháy rừng, có lực lượng bảo vệ 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn khi có cháy rừng xảy ra, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại rừng, khi phát hiện thấy sự phát sinh sâu bệnh có biện pháp dập dịch và báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Đề án khôi phục phát triển làng nghề truyền thống góp phần vào công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển TTCN làng nghề kết hợp với thương mại, dịch vụ; tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới; hình thành cách thức canh tác đối với một mô hình sản xuất thí điểm lâm nghiệp đối với một loại cây trồng mới. Mặt khác còn góp phần bảo vệ hành lang an toàn đường dây điện cao áp 500 kV Bắc-Nam. 

Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1083
  • Tháng hiện tại: 40162
  • Tổng lượt truy cập: 3756663