Hải Lăng bảo tồn, phát triển nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ năm - 14/11/2013 09:04 - Người đăng bài viết: admin
Ngành nghề nông thôn ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nói chung, nghề thủ công truyền thống nói riêng được hình thành từ lâu đời và phát triển theo từng làng, thôn, luôn gắn bó với người dân và trở thành nghề phụ bên cạnh nghề nông. Trong những năm qua ngành nghề nông thôn đã đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện.
Làng nghề chổi đót Văn Phong

Làng nghề chổi đót Văn Phong

Tính đến nay, toàn huyện có 1.276 cơ sở sản xuất ngành nghề TTCN với 2.119 lao động, chiếm trên 83% tổng số lao động ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Tuy nhiên các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, sản xuất mang tính thời vụ; các chủ cơ sở sản xuất có trình độ chuyên môn- kỹ thuật còn thấp, thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin thị trường, tỷ lệ qua đào tạo còn thấp, chủ yếu theo kinh nghiệm; hầu hết các cơ sở ngành nghề đều thiếu vốn sản xuất kinh doanh, sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh về chủng loại sản phẩm còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa vươn ra xa, chủ yếu tiêu thụ nội bộ... 
Thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ và Thông tư 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, trên cơ sở quy hoạch phát triển CN-TTCN của huyện giai đoạn 2010-2020, ngày 7/9/2011, UBND huyện Hải Lăng đã phê duyệt đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2015, giá trị sản xuất làng nghề nông thôn của huyện đạt trên 40 tỷ đồng, tăng 53,9% so với năm 2010, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 500 lao động, thành lập 5-6 HTX trong các làng nghề nông thôn, đưa thu nhập của lao động làng nghề lên từ 35-40 triệu đồng/ năm, xây dựng 3-4 nghề truyền thống, 4-5 làng nghề và 2-3 làng nghề truyền thống. Đồng thời đề án cũng đề cập đến 8 giải pháp tổ chức thực hiện như: Phát triển thị trường, huy động vốn, đào tạo nguồn nhân lực; các giải pháp về khoa học công nghệ, về tổ chức quản lý sản xuất, về thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường và chính sách khuyến khích của nhà nước. Đến nay, huyện Hải Lăng đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận 2 làng nghề truyền thống, 1 làng nghề và đang hoàn chỉnh thủ tục công nhận tiếp 3 làng nghề truyền thống, 1 làng nghề vào cuối năm 2012.
Để đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện Hải Lăng mang lại hiệu quả cao thì ngoài những giải pháp đã nêu xin đề xuất và làm rõ thêm một số vấn đề sau: Việc lựa chọn để có định hướng bảo tồn và phát triển là một quan điểm đúng đắn, nhưng trong điều kiện cụ thể của địa phương (tỉnh, huyện) thì cần phải làm gì để việc củng cố, phát triển làng nghề đạt những kết quả mong muốn là điều cần phải xem xét.
Trước hết, cần phải đánh giá đầy đủ, cụ thể hoạt động của các làng nghề để lựa chọn khôi phục và phát triển, tranh thủ thêm kinh nghiệm phát triển làng nghề của các tỉnh có nghề đó phát triển tốt, thuê thêm tư vấn trong việc nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch phát triển cho từng nghề, làng nghề, sản phẩm... từ đó đề ra những giải pháp toàn diện, phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn.
Bên cạnh đó tổ chức lại các hình thức hoạt động SXKD tại các làng nghề, khuyến khích liên kết với các cơ sở sản xuất trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc đa lĩnh vực (có thể coi đây là yếu tố tiên quyết đến việc thúc đẩy phát triển nghề).
Ngoài các chính sách hiện hành của nhà nước, địa phương cần có các chính sách ưu đãi khác như ưu tiên bố trí mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ thuê tư vấn cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, ưu đãi về thuế, tư vấn hỗ trợ về mặt pháp lý...
Đối với chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan tham mưu cần sớm ban hành các quy chế về vinh danh khi được công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi, sản phẩm tiêu biểu và các chính sách khen thưởng như nhiều tỉnh thành khác đã thực hiện nhằm động viên, khuyến khích các phong trào xây dựng làng nghề, phát triển nâng cao tay nghề; chú trọng về công tác đào tạo tay nghề cho lao động làng nghề trên cơ sở lồng ghép các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề để sản phẩm phù hợp và đáp ứng với thị hiếu của thị trường, đồng thời gắn chặt chẽ việc đào tạo nghề với trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động và chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động sau đào tạo.
Mặt khác các cấp, các ngành cần nghiên cứu tham mưu xây dựng mô hình phát triển “mỗi làng một sản phẩm” đã thực hiện thành công ở một số nước như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan..., nhằm đa dạng hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc phát triển sản phẩm làng nghề, là phương án để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề...
Các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn góp phần tạo thêm việc làm, tạo ra của cải vật chất, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động nông thôn, gia tăng sản phẩm hàng hóa, đóng góp vào nguồn thu nội địa, tạo ra sự cân bằng giữa thành thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Đặc biệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thời kỳ CNH, HĐH thì việc duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề nói chung, các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống nói riêng có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thực hiện có hiệu quả một số tiêu chí cơ bản trong xây dựng NTM tại mỗi địa phương.
Do vậy việc củng cố và phát triển làng nghề là một yêu cầu cấp thiết nhưng không nóng vội, chủ quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ theo quy hoạch và có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm. Bằng sự nỗ lực của chính mỗi làng nghề, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và có vai trò tư vấn, định hướng hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, là điều kiện để huyện Hải Lăng thực hiện thành công đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015.

Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Từ khóa:

nông thôn, quảng trị

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 101
  • Tháng hiện tại: 9330
  • Tổng lượt truy cập: 4203257