Làng quê khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ sáu - 03/08/2018 10:19 - Người đăng bài viết: admin
Cuộc sống của người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đó là một trong những kết quả nổi bật của chặng đường 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cuộc sống của người dân xã Linh Thượng được cải thiện hơn từ khi chương trình xây dựng NTM được triển khai

Cuộc sống của người dân xã Linh Thượng được cải thiện hơn từ khi chương trình xây dựng NTM được triển khai

Với những cách làm hay, sáng tạo, bức tranh NTM của xã Cam Nghĩa (Cam Lộ) đã có đổi thay toàn diện. Được huyện Cam Lộ chọn làm xã điểm để phát động chương trình xây dựng NTM, bước đầu xã Cam Nghĩa chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Là vùng quê thuần nông, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, xã Cam Nghĩa đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền đến tận người dân, đồng thời có những cách làm linh động, sáng tạo với nhiều mô hình có hiệu quả, từ đó tạo sức lan tỏa, làm thay đổi nhận thức về xây dựng NTM với vai trò chủ thể là người dân.

 

Sau khi địa phương ra quân phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, phong trào chung sức xây dựng NTM tại địa phương diễn ra sôi nổi, được người dân hưởng ứng tích cực. Ai cũng sẵn sàng đóng góp một phần công sức của mình, tham gia hiến đất, hiến cây để chỉnh trang làng quê. Sau gần 7 năm triển khai xây dựng NTM, người dân xã Cam Nghĩa đã đóng góp trên 5.500 ngày công, hiến hơn 97.000 m2 đất, hàng nghìn cây có giá trị cao, giải phóng mặt bằng trên 14 km đường nội thôn, 6 km đường trục xã, 10 km đường nội đồng... để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Địa phương cũng huy động được trên 103 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí 18,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 19,3 tỷ đồng và nguồn vốn khác 65,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường... Các phong trào như “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, mô hình thu gom, xử lý rác thải, “Thắp sáng đường quê”… cũng được người dân hưởng ứng tích cực. Riêng chương trình “Thắp sáng đường quê”, bằng nguồn vốn huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, đến nay 14/14 thôn đã có đường điện chiếu sáng với tổng kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng.

 

Nét nổi bật trong quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Cam Nghĩa đó là công tác di dời mồ mả để quy hoạch lại ruộng đất sản xuất được người dân hưởng ứng tích cực. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, đến nay xã Cam Nghĩa đã tổ chức di dời được hơn 1.000 ngôi mộ để mở rộng đất sản xuất và quy hoạch chỉnh trang NTM. Trong phát triển kinh tế, với thế mạnh ở vùng gò đồi đất đỏ ba dan, đến nay xã đã trồng được trên 1.000 ha cao su, trong đó 760 ha đã đưa vào khai thác; 150 ha hồ tiêu. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cũng được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ phát triển kinh tế đa dạng nên thu nhập bình quân đầu người lên đến gần 30 triệu đồng/ năm. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm từ 15,9% (năm 2010) xuống còn 3,4% (năm 2017). Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở được phát huy, các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư xây dựng để hoàn thiện.

 

Tại xã Linh Thượng, một trong những địa phương thuộc diện khó khăn của huyện Gio Linh, chương trình xây dựng NTM cũng đã từng bước làm đổi thay bộ mặt nông thôn nơi đây. Thăm gia đình anh Hồ Văn Giang và chị Hồ Thị Hằng, ở thôn Bãi Hà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi đang có của đôi vợ chồng trẻ. Từ 6 sào vườn tạp trước đây chủ yếu trồng sắn, rau cho hiệu quả kinh tế thấp, sau khi địa phương triển khai chương trình xây dựng NTM, vợ chồng anh Giang đã cải tạo để trồng mới gần 200 gốc tiêu cùng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, anh chị còn nhận trồng và chăm sóc thêm 2 ha cao su, đến nay 1 ha đã cho thu hoạch mủ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp vợ chồng chị Hằng cải thiện thu nhập cho gia đình và dành dụm được tiền để xây dựng nhà kiên cố, khang trang, có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Với đặc thù một xã miền núi, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm trên 90% nên khi bắt tay xây dựng NTM, xã Linh Thượng xác định việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chủ động tham gia xây dựng NTM được đặt lên hàng đầu. Từ các phong trào được phát động, việc nhìn nhận về chương trình xây dựng NTM của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt. Không chỉ xác định được vai trò chủ thể của mình, người dân Linh Thượng còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội cùng cộng đồng, tự nguyện hiến đất, hiến cây để mở rộng đường giao thông và xây dựng công trình của địa phương.

 

Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tham gia vào quá trình bàn bạc, góp ý kiến cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch, đề án cũng như việc triển khai xây dựng NTM. Nhờ vậy, sau 7 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở đây đã có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, năm 2017 đạt 16 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến cuối năm 2018 tăng lên 18 triệu đồng/người/năm. Các công trình cơ sở hạ tầng của xã như nhà văn hóa các thôn, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông đã được đầu tư xây dựng, đường làng, ngõ xóm thường xuyên được phát quang, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện, từ đó đã làm cho môi trường thêm xanh- sạch- đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Quá trình đầu tư, lựa chọn đầu tư các công trình và các lĩnh vực được thông qua người dân nên phù hợp với tình hình thực tế từng thôn, bản, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tùy vào nguồn ngân sách hỗ trợ và đóng góp của người dân để xây dựng công trình cho phù hợp với nguồn vốn nên đến nay địa phương không có nợ đọng xây dựng NTM. Đối với một xã vùng khó như Linh Thượng, việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM là không dễ, song những kết quả đạt được hiện nay (tính đến tháng 6/2018, xã Linh Thượng đạt 10/19 tiêu chí) chính là nền tảng quan trọng để địa phương tiếp tục nỗ lực hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.

 

Xây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh mẽ và sâu rộng thu hút nguồn lực toàn xã hội nhằm phát triển nông thôn toàn diện. Thực tế cho thấy, chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm đổi thay các vùng nông thôn trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 41/117 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 35%), tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 14,15 tiêu chí/xã.

Tác giả bài viết: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 195
  • Tháng hiện tại: 6202
  • Tổng lượt truy cập: 4200129