Phát huy hiệu quả kinh tế tập thể

Đăng lúc: Thứ hai - 23/06/2014 09:36 - Người đăng bài viết: admin
Hơn 30 năm qua kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Thủy Đông (xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Mỗi xã viên ở HTX đều ý thức được trách nhiệm của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết trong góp sức xây dựng và phát triển HTX.
Khai thác nhựa thông mang lại thu nhập khá cho các thành viên HTX DVNN Thủy Đông.

Khai thác nhựa thông mang lại thu nhập khá cho các thành viên HTX DVNN Thủy Đông.

     Vượt qua gian khó 
     Ngày 2/10/1983 là ngày thật khó quên với nhiều xã viên HTX NN Thủy Đông (nay HTX DVNN Thủy Đông) bởi đây là ngày đơn vị của họ được chia tách từ HTX Cam Thủy. Sau khi đi vào hoạt động, HTX NN Thủy Đông có 398 hộ/667 lao động được chia làm 10 đội sản xuất, phân bố ở 4 thôn: Cam Vũ, Nhật Lệ, Thọ Xuân và Thiện Chánh.
     Tài sản của HTX chỉ vỏn vẹn gồm 112 con trâu, bò; công cụ sản xuất không đủ, nguồn vốn ít ỏi, trụ sở làm việc, kho chứa hàng hóa đều chưa có, ban chủ nhiệm HTX phải mượn nhà dân để hoạt động. Phần lớn diện tích đất ở địa phương do HTX quản lý bị bạc màu, thiếu chất dinh dưỡng; rừng hoang hóa, ruộng bậc thang phát triển manh mún và chưa được quy hoạch. Xã viên chưa phát huy được tinh thần tự giác trong lao động, sản xuất nên năng suất, chất lượng mùa màng thấp, không đảm bảo lương thực dẫn đến nghèo đói. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ HTX chưa được đào tạo về trình độ, nghiệp vụ quản lý nên khó khăn trong việc điều hành, quản lý. Trước thực trạng đó, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, tập thể HTX NN Thủy Đông đã quyết tâm biến những khó khăn ban đầu thành thuận lợi lâu dài. 
     Với tổng diện tích được giao 1.173 ha, HTX NN Thủy Đông đã tích cực hướng dẫn xã viên tiến hành khai hoang phục hóa, san lấp hố bom, mở rộng diện tích đất lúa, hoa màu; tập trung sản xuất nông nghiệp và tham gia trồng rừng theo Dự án PAM 2780, 4126 với 200 ha, góp phần phủ xanh đồi núi trọc. Nhiều xã viên phấn khởi vì có công ăn việc làm, đời sống ổn định hơn trước. 
     Ông Nguyễn Lục, Giám đốc HTX DVNN Thủy Đông nhớ lại: “Để giúp xã viên yên tâm hơn trong thời gian đi lao động, sản xuất, HTX NN Thủy Đông đã chủ trương dùng công lao động đổi lấy xi măng xây dựng nhà trẻ, hội trường làm việc, mở nhiều ngành nghề phục vụ cho đơn vị. Từ năm 1986-1990, thực hiện Chỉ thị 100-CT/ TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, HTX đã tiến hành hóa giá trâu, bò, trực tiếp giao cho từng hộ quản lý và phát huy hiệu quả kinh tế gia đình. Từ số đàn trâu, bò này, các hộ đã chăm sóc, chăn nuôi phát triển tốt nên trâu, bò tăng sức kéo cày, sinh sản, tạo điều kiện cho xã viên vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, để bảo đảm hơn năng suất sản lượng, HTX đã đầu tư thâm canh cho thửa ruộng của từng hộ. Sau khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 (còn gọi là khoán 10) về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất, HTX đã phát huy hiệu quả của tài nguyên đất đai, tư liệu sản xuất và sức lao động”. 
     Cũng trong thời điểm này, khu vực kinh tế tập thể theo mô hình HTX kiểu cũ xuất hiện nhiều vấn đề bất hợp lý, bộc lộ nhiều khe hở, hạn chế của cơ chế quản lý hành chính tập trung, bao cấp, không phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới. Trước tình hình đó, cán bộ, xã viên của HTX đã đồng tâm, hợp lực, sáng tạo, xây dựng đề án sản xuất thông qua nghị quyết đại hội của xã viên qua các nhiệm kỳ; triển khai một cách hợp lý trong sản xuất, mở rộng các ngành nghề dịch vụ nhằm tranh thủ các dự án đầu tư của nhà nước. 
     Chú trọng lợi ích thành viên 
     Năm 1998, HTX Thủy Đông chuyển đổi thành HTX DVNN Thủy Đông. HTX đã lấy nghị quyết đại hội thành viên để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ. HTX chú trọng việc hướng dẫn cho thành viên cách thức sản xuất, dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ bảo vệ thực vật…; giúp xã viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật; mở các lớp tập huấn tuyên truyền rộng rãi đến các hộ xã viên. 
Cũng trong năm 1998, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng cho 5/6 thôn, xây dựng hệ thống truyền thanh, giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Sau khi kết thúc Dự án PAM 2780, 4126, HTX cùng hộ xã viên tham gia trồng rừng Dự án PAM 4304 với 292 ha. Năm 1999, HTX mạnh dạn thanh lý rừng kém hiệu quả, chuyển sang trồng 9 ha cao su tiểu điền và đến năm 2004 số diện tích cao su tăng lên 175 ha. 
     Năm 2004, HTX DVNN Thủy Đông phân lô với hơn 12 ha cây thông cho 12 hộ thành viên ở thôn Thiện Chánh và Cam Vũ để quản lý, khai thác nhựa. Trước đó, HTX đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật khai thác nhựa thông, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở xã viên bảo vệ cây, tránh việc khai thác nhựa bừa bãi, đảm bảo lợi ích lâu dài của rừng. Gần 10 năm qua, số hộ được hưởng lợi từ cây thông nói trên đã trở thành những hộ khá giả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của HTX. 
Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, nhựa thông được giá hơn mọi năm (30-34 nghìn đồng/kg). Bình quân mỗi hộ 1 tuần khai thác nhựa thông 5 ngày, thu được khoảng 80 kg nhựa, sau khi xuất bán họ có khoảng 2,5 triệu đồng/tuần. Đây là khoản thu nhập cao, tạo điều kiện cho thành viên có vốn, vươn lên làm ăn khá, giàu như các hộ: Nguyễn Trọng Nho, Nguyễn Hùng, Nguyễn Văn Khiển, Nguyễn Văn Quảng, Lê Cảnh (thôn Thiện Chánh), Nguyễn Thanh Song, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khanh, Lê Xuyến (thôn Cam Vũ)... 
Để tạo quỹ xây dựng các công trình phúc lợi của đơn vị, HTX cũng khoán định mức đóng góp cho thành viên cứ 17.100 đồng/cây thông/năm và 14.000 đồng/sào/ năm đối với các loại cây công nghiệp, nông nghiệp, hoa màu. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho thành viên khó khăn kịp thời lao động sản xuất đúng mùa vụ, HTX bán nợ cho họ các loại phân bón, cây giống, sau khi thu hoạch hoàn nợ cho đơn vị. Từ năm 1992-2003, HTX DVNN Thủy Đông không ngừng phấn đấu thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; bắt tay vào xây dựng các công trình phục vụ trong sản xuất nông nghiệp mang tính chất hiện đai, lâu bền. 
     Ông Nguyễn Lục cho biết: “Vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, đến giai đoạn 2004-2013, HTX DVNN Thủy Đông đã tự tin đứng vững trong khối kinh tế tập thể ở huyện, tỉnh. Đến nay, toàn HTX có 750 thành viên/6 thôn. Đời sống xã viên không ngừng được nâng cao, hiện có trên 90% hộ xã viên xây dựng nhà kiên cố, hơn 80% hộ có phương tiện sinh hoạt hiện đại, hơn 60% kênh mương được bê tông hóa, tư liệu sản xuất được đầu tư mua sắm với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo. Hiện toàn HTX có hơn 200 ha cao su được giao tận hộ, trong đó có 100 ha đã khai thác mủ, 24 ha thông được chia lô với 12 hộ đảm nhận, 136 ha lúa nước, sắn 50 ha...; có gần 100 máy làm đất, trong đó có 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy đời mới, nhiều ô tô tải các loại. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường nội đồng, kênh mương, trụ sở làm việc, kho chứa hàng…từ năm 1997 đến nay trên 1,2 tỷ đồng. Mục tiêu từ nay cho đến 2018, HTX DVNN Thủy Đông tập trung xây dựng đơn vị theo mô hình điển hình tiên tiến; doanh thu năm sau tăng hơn năm trước 5%; bê tông hóa kênh mương 5.050 mét, đường nội đồng 9.000 mét; tổ chức mở rộng nhiều ngành nghề dịch vụ nhằm phát triển HTX vững mạnh, giúp hộ thành viên vươn lên khá, giàu”
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 10
  • Tháng hiện tại: 48989
  • Tổng lượt truy cập: 3811745