Xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có 1.643 hộ, khoảng 6.500 nhân khẩu phân bố trên 11 thôn và 14 khu dân cư. Trong 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, xã Cam An đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Diện mạo nông thôn mới ở Cam An có nhiều khởi sắc
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Để thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền như phát thông tin hệthống radio FM của xã, phát tài liệu, tờ rơi… và cả tuyên truyền, vận động trực tiếp để người dân dần nắm bắt và hiểu hơn về công tác xây dựng NTM, xác định người dân là chủ thể thực hiện chương trình”.
Trong quá trình xây dựng NTM, xã Cam An đã huy động được 85 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng 26,7 tỷ đồng (chiếm 31,4%), các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ 3,1 tỷ đồng (chiếm 3,7%), dân đóng góp 9,36 tỷ đồng (chiếm 11%), ngân sách nhà nước các cấp bố trí 45,7 tỷ đồng (chiếm 53,8%). Từ nguồn vốn này, địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn xã đã xây dựng được 7,4 km đường giao thông, trong đó dân góp 7.850 ngày công. Đặc biệt phong trào hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông đã trở nên rộng khắp trên toàn xã, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác sửa chữa nâng cấp đê đập, kiên cố hóa kênh mương được chú trọng. Trường học các cấp từng bước được xây dựng theo chuẩn và xã hội hoá. Hệ thống trạm y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và con người, tỷ lệ thôn có nhân viên y tế hoạt động đạt 100%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80%. Toàn xã có 12/14 khu dân cư có nhà văn hóa thôn (chiếm tỷ lệ 85%). Đến nay, 98% số hộ trên địa bàn có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, toàn xã có 5 bể rác tập trung, 14/14 khu dân cư có tổ thu gom rác thải hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, UBND xã đã xây dựng và thực hiện đề án “di dời mồ mã” kết hợp với dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, nhằm phục vụ cho xây dựng NTM, đây là cách làm sáng tạo và là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM ở Cam An…
Cấp ủy, chính quyền xã Cam An xác định việc phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng NTM. Được sự hỗ trợ của nhà nước về vốn phát triển sản xuất, thời gian qua UBND xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ xây dựng đề án trồng hoa gồm có 54 hộ tham gia; phối hợp với Hội Nông dân xây dựng đề án chăn nuôi gà với 70 hộ, 15 hộ nuôi giun quế. Năm 2014 UBND xã phối hợp các đoàn thể triển khai đề án trồng cỏ nuôi bò cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Qua đó nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững. Song song với việc phát triển nông - lâm nghiệp, với lợi thế là địa bàn ven đô, xã Cam An đã đẩy mạnh các ngành nghề thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp như: Cung cấp hàng hóa dịch vụ tổng hợp dọc Quốc lộ 1A, sửa chữa cơ khí, may mặc, xẻ gỗ… qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, ước tính thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề bún truyền thống làng Cẩm Thạch được duy trì hoạt động và mở rộng. Điều đáng mừng là làng nghề này đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận làng nghề truyền thống với 61 hộ trực tiếp sản xuất bún. Hiện đời sống và thu nhập của người dân xã Cam An được nâng cao, nhiều hộ khá và giàu, giảm hộ nghèo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Mức thu nhập bình quân ước tính đạt 22 triệu đồng/ người/năm.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được duy trì và phát triển sâu rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong những năm qua ngày càng được chính quyền và người dân Cam An đẩy mạnh. Hiện nay có11/11 làng và 4/4 trường học được công nhận là làng văn hóa, đơn vị văn hóa; 3 làng (Phủ Lại, Phi Thừa, An Xuân) đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh... Cấp ủy, chính quyền xã Cam An còn xây dựng, nhân rộng các câu lạc bộ, các tổ hòa giải, các diễn đàn toàn dân phòng chống tội phạm ở thôn, xóm để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng tiếp cận tư vấn, hòa giải những phức tạp, mâu thuẫn ngay từ gia đình, cộng đồng; củng cố, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải gắn kết với các mô hình phát triển NTM.
Xã Cam An có Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9 đi qua, kết nối với cảng Cửa Việt. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và giao lưu thương mại, văn hóa của người dân trong xã với các vùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Cam An chỉ cách trung tâm thành phố Đông Hà 3 km nên ảnh hưởng không gian đô thị rất lớn, qua đó thuận tiện trong việc sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, dịch vụ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình xây dựng NTM xã Cam An vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế về nguồn lực đầu tư từ nhà nước và nhân dân; việc tổ chức sản xuất, dịch vụ ở cả 2 loại hình nông nghiệp và phi nông hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chuyển đổi mô hình sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn; lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ thấp…
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Đến nay đời sống của nhân dân xã Cam An đã có bước tiến vững chắc. Nhân dân và cán bộ xã Cam An đồng lòng, đồng sức quyết tâm phấn đấu nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí NTM đã đạt được”.
Ý kiến bạn đọc