Hợp tác xã Cam An triển khai sản xuất lúa, phục vụ phát triển thương hiệu

Đăng lúc: Thứ hai - 22/01/2018 08:53 - Người đăng bài viết: admin
Từ hiệu quả bước đầu của việc đưa các tiến bộ khoa học- kỹ thuật mới và các giống lúa mới có chất lượng cao vào sản xuất như HC 95, Bắc thơm 7, vụ đông xuân 2017 - 2018, HTX Nông nghiệp Cam An (Cam Lộ) triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Người dân xuống giống vụ đông xuân

Người dân xuống giống vụ đông xuân

Vụ sản xuất hè thu vừa qua, HTX Nông nghiệp Cam An thí điểm sản xuất 12 ha giống lúa Bắc thơm 7, áp dụng khoa học kỹ thuật và các biện pháp thâm canh đối với giống lúa mới, lợi nhuận bình quân 13.000 đồng/ kg, cao hơn các giống lúa khác. Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cam An cho biết: “Nhận thấy sản lượng cũng như giá bán ra của giống lúa Bắc thơm 7 cao hơn hẳn các giống lúa truyền thống, thành viên HTX rất phấn khởi và càng quyết tâm nhân rộng diện tích trong vụ đông xuân này”.

 

HTX Nông nghiệp Cam An có hơn 300 ha lúa sản xuất 2 vụ, năng suất đạt trên 50 tạ/ha/vụ. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, có thể thấy bình quân đất sản xuất nông nghiệp/hộ còn thấp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, thu nhập từ nông nghiệp đã không còn là thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Từ thực tiễn sản xuất lúa tại Cam An, xác định chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là hướng đi đúng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo mô hình tiêu biểu về sản xuất lúa theo hướng an toàn, huyện Cam Lộ đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Cam An triển khai xây dựng dự án “Sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu”. Mục tiêu của dự án là đầu tư thâm canh cho sản xuất lúa, quy hoạch vùng lúa chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp Cam An năm 2017 với diện tích 50 ha/vụ, năm 2018 là 100 ha/vụ và tiếp tục tăng dần vào các năm tiếp theo. Phấn đấu sản lượng lúa trong vùng quy hoạch ổn định, năng suất bình quân đạt từ 52 tạ/ha. Từ năm 2017 - 2018, HTX sẽ thực hiện quy hoạch, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, quy trình phòng trừ dịch hại và triển khai xây dựng các mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu. Từ năm 2019 - 2020 tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch, sấy, xay xát, đóng bao, tiêu thụ.

 

Qua kết quả khảo sát, HTX Cam An đã chọn diện tích thực hiện dự án là 100 ha ở vùng quy hoạch cánh đồng mẫu để gieo trồng các giống lúa chất lượng cao HC 95 và Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, Khang dân 18…Trong quá trình thực hiện sẽ tạo điều kiện để các hộ dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ ít hoặc không có lao động, không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc đã chuyển sang ngành nghề khác cho các hộ khác thuê lại ruộng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu tích tụ để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, HTX cũng chú trọng việc tổ chức tập huấn chuyển giao các quy trình kỹ thuật đối với các giống lúa mới, quy trình thâm canh, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo VietGAP, 100% hộ nông dân tham gia dự án được học lớp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc BVTV trên cây lúa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Mục tiêu mong đợi khi chúng tôi triển khai thực hiện dự án này là trên các diện tích lúa trong dự án đảm bảo năng suất tăng từ 2- 2,5 tạ/ha so với các vùng sản xuất khác, năng suất đạt từ 53 - 56 tạ/ha trong vụ đông xuân và 50 - 55 tạ/ha trong vụ hè thu”, ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cam An cho biết.

 

Theo tính toán, nếu triển khai mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Cùng với đó, chi phí sản xuất như dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch giảm đáng kể, áp dụng được quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý dịch hại tổng hợp và cơ giới hóa nên giảm chi phí nhân công, giảm lượng và số lần phun thuốc, giảm lượng giống, lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, tăng lợi nhuận cho nông dân so với cách làm riêng lẻ như trước đây. Mặt khác sẽ thúc đẩy cơ giới hóa, hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, cải tạo, mở rộng diện tích ruộng đồng để áp dụng máy móc có công suất lớn, cơ giới hóa đồng bộ. Thông qua việc giảm sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, phân bón và điều tiết nước hợp lý trên phạm vi rộng cả cánh đồng lớn sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường. Đối với đầu ra sản phẩm, HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp thu mua để người dân yên tâm sản xuất, đồng thời hướng đến mục tiêu doanh nghiệp đặt hàng cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng…

 

Những ngày này, nông dân HTX Cam An gần như đã hoàn thành việc xuống giống vụ đông xuân, trước mắt vẫn còn nhiều công đoạn, nhiều nhọc nhằn chờ đợi, nhưng lần này, khi gieo vào đất những hạt mầm, họ mang nhiều niềm tin, niềm hy vọng để bước vào vụ mùa mới.

Tác giả bài viết: Thanh Trúc
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1103
  • Tháng hiện tại: 44449
  • Tổng lượt truy cập: 3807205