Phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản

Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng cao, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hình minh họa
     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.
     Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay. Cụ thể, đối với một số ngành hàng chủ lực như gạo tăng 20%, cà phê tăng 13%, chè tăng 30%, thủy sản tăng 20%... Tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.
     Giảm tổn thất sau thu hoạch
     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, để giảm tổn thất sau thu hoạch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và triển khai có hiệu quả Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Đối với lúa gạo, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch từ 11-13% hiện nay xuống còn 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc… Đến năm 2020, thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60%, năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 80%...
     Đối với thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ 20% hiện nay xuống 10%, thông qua tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và hệ thống hầm lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ. Tổ chức hệ thống thu gom hải sản trên biển để kịp thời đưa sản phẩm vào bờ.
     Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm
     Một giải pháp khác được Đề án đặt ra là đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có GTGT cao.
     Đối với lúa gạo, toàn bộ phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi. Đối với rơm, sử dụng trong sản xuất nấm, đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt, làm phân hữu cơ…
     Đối với thủy sản, sử dụng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có GTGT sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: Colagen, Glucosamin, can xi hoạt tính, bột cá, dầu cá…
     Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu đến năm 2020, có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu xây dựng và phát triển các thương hiệu lớn, có uy tín tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.

Tác giả bài viết: Thanh Trúc

Nguồn tin: Chinhphu.vn