Quan tâm công tác di dân ra đảo Cồn Cỏ

Nhằm tăng cường lực lượng lao động cho đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh, việc di dân ra đảo Cồn Cỏ là rất cần thiết và cấp bách. Tháng 11/2016, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định ban hành kế hoạch tổ chức di dân ra huyện đảo Cồn Cỏ năm 2016-2017. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, huyện đảo Cồn Cỏ đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác thẩm định, xét tuyển cũng như chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc di dân ra đảo.
Những ngôi nhà khang trang đã được xây dựng tại huyện đảo Cồn Cỏ để chuẩn bị đón những hộ gia đình đến định cư
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho công tác di dân đã được huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện cơ bản hoàn tất. Để công tác di dân ra đảo Cồn Cỏ thực hiện đúng tiến độ, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch di dân với các sở, ban, ngành liên quan và UBND 4 huyện ven biển gồm: Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong. Đồng thời, huyện cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm việc với chính quyền các địa phương liên quan để triển khai kế hoạch tổ chức di dân, quy trình, cách thức tiến hành làm hồ sơ xét tuyển; thống nhất lịch gặp mặt các hộ dân có nguyện vọng đăng ký ra đảo Cồn Cỏ để tuyên truyền, vận động, phát tài liệu và hướng dẫn các hộ gia đình làm hồ sơ.

 

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức cho các hộ khám sức khỏe và đi thực tế tại đảo. Theo đó, các hộ gia đình đăng ký di dân đã được chính quyền huyện đảo Cồn Cỏ đưa đi tham quan quanh đảo, kết hợp giới thiệu toàn bộ cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo như điện, nước, nhà ở... tại khu dân cư số 1 của huyện, thăm một số cơ quan, đơn vị như trung tâm y tế, trường học... Đặc biệt, các hộ đăng ký di dân cũng được tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi công việc hàng ngày, cuộc sống hiện tại với các hộ dân đang sinh sống tại khu dân cư Thanh niên của huyện.

 

Sau khi tổ chức cho các hộ tham quan, tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống trên đảo Cồn Cỏ, huyện đã tổ chức trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Sau quá trình sơ tuyển của UBND huyện, Hội đồng thẩm định, xét tuyển đã tiến hành thẩm định hồ sơ các hộ di dân. Kết quả có 7 hộ đạt các tiêu chuẩn theo kế hoạch di dân ra đảo Cồn Cỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là những hộ gia đình trẻ có độ tuổi trung bình từ 25- 40 tuổi. Về nghề nghiệp, các hộ chủ yếu có chồng làm nghề biển như đánh cá, lái tàu, vợ làm nội trợ, buôn bán nhỏ.

 

Tất cả các hộ này đều an tâm và có kế hoạch, phương hướng xác định nghề nghiệp cụ thể, sẽ tổ chức sinh sống, định cư lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ nếu được các cấp đồng ý xét tuyển. Theo ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, để người dân ra đảo, bám trụ và gắn bó lâu dài với đảo thì điều quan trọng nhất là phải tạo cho người dân công việc ổn định và lâu dài, phù hợp đặc điểm và điều kiện cụ thể của địa phương. Do vậy, khi các hộ dân ra đảo, chính quyền địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn về nghề nghiệp, đặc biệt hướng vào 2 lĩnh vực để tạo việc làm lâu dài cho người dân đó là đánh bắt, chế biến thủy hải sản, từ đó tạo ra những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương, cung cấp cho các dịch vụ du lịch trên đảo và đưa vào tiêu thụ tại thị trường trên đất liền.

 

Thứ hai là chú trọng phát triển ngành du lịch để tạo việc làm cho người dân như tổ chức các dịch vụ phục vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi ra đảo. Để chọn được những hộ dân gắn bó lâu dài với đảo, chính quyền địa phương cũng đã thực hiện tuyển chọn kỹ đối với các hộ gia đình đăng ký ra đảo trên cơ sở các tiêu chuẩn được UBND tỉnh thông qua. Trên cơ sở đó, đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp với các hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Trước khi thực hiện xét tuyển cụ thể, huyện đã tổ chức đưa người dân ra đảo để họ biết được điều kiện cụ thể của đảo, sau đó huyện mới tổ chức phỏng vấn và tính toán việc đưa dân ra đảo. Đồng thời huyện sẽ tạo việc làm cụ thể cho người dân sau khi ra đảo.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân di cư ra đảo sẽ được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước và địa phương. Chẳng hạn như mỗi hộ được giao khuôn viên đất với diện tích 200 m2 bao gồm nhà ở và sân vườn tại khu dân cư số 1, huyện đảo Cồn Cỏ. Trong đó nhà ở có diện tích 42 m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn nhà ở dân cư gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh... cùng toàn bộ cơ sở hạ tầng kèm theo như đường nội bộ khu dân cư, hệ thống cấp điện, nước theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các hộ dân khi tham gia di cư ra đảo cũng được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian đầu như hỗ trợ bằng tiền 12 tháng lương thực tính từ ngày ra đảo, mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/người/tháng (giá gạo được tính tại huyện đảo Cồn Cỏ do Sở Tài chính thẩm định hàng năm)...

 

Bên cạnh đó, các hộ dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như được tư vấn, hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện đảo Cồn Cỏ. Được hỗ trợ giống vật nuôi đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; được vay vốn không tín chấp để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn đóng mới tàu, nâng cấp tàu để khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần và vay vốn lưu động theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ... Đồng thời, các hộ di dân cũng được hưởng đầy đủ các chính sách về BHYT, hưởng các chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển thủy sản, an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế như đang áp dụng với hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 

Để đảm bảo điều kiện tốt nhất đẩy mạnh công tác di dân ra đảo, chính quyền huyện đảo Cồn Cỏ đã chỉ đạo phòng chuyên môn tập trung kiểm tra các điều kiện đảm bảo ăn, ở, sinh hoạt của các hộ dân tại các căn hộ trên đảo như sửa chữa cơ sở vật chất tại khu dân cư số 1 gồm điện, nước, vệ sinh khuôn viên... Đồng thời phối hợp làm việc với các sở, ngành liên quan để đảm bảo các điều kiện về BHYT, vay vốn, các chương trình đào tào nghề... đối với người dân trên đảo. Với quá trình chuẩn bị chặt chẽ, hợp lý, gắn di dân với đảm bảo việc làm và ổn định cuộc sống, các đối tượng di dân được chọn lọc kỹ nhằm đảm bảo tính lâu dài, bền vững, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, tin tưởng rằng những cư dân mới của huyện đảo sẽ sớm xây dựng cuộc sống ổn định, tích cực chung tay xây dựng và bảo vệ đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Lệ Như

Nguồn tin: Báo Quảng Tri