Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã trong làng nghề

Với nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, những năm gần đây các làng nghề trong tỉnh Quảng Trị đã có hướng phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, để làng nghề phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, thì việc thành lập các hợp tác xã ( HTX) trong làng nghề nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường là rất cần thiết. Từ đó, HTX tạo động lực cho từng hộ làm nghề và giải quyết những nhu cầu chung thúc đẩy sản xuất làng nghề đạt hiệu quả cao.
Nghề làm chổi đót ở Văn Phong, Hải Chánh, Hải Lăng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân
Trên địa bàn huyện Hải Lăng có 11 làng nghề với 9 nghề chủ yếu, trong đó sản phẩm của nhiều làng nghề đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Riêng trong năm 2016, làng nghề truyền thống nón lá Văn Quỹ (xã Hải Tân) cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 114.000 chiếc nón, đạt doanh thu 5,1 tỉ đồng, làng nghề truyền thống nón lá Văn Trị (Hải Tân) sản xuất 56.400 chiếc, doanh thu 2,1 tỉ đồng, làng nghề truyền thống nấu rượu Kim Long (Hải Quế) đạt doanh thu hơn 6,7 tỉ đồng...

 

Ông Nguyễn Hữu Long, Trưởng thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, cho biết: “Hiện nay Văn Quỹ còn khoảng 30 hộ chuyên làm nghề chằm nón, bình quân mỗi lao động một ngày làm ít nhất 3 sản phẩm, thu nhập 150.000 đồng/ngày. Có thể thấy nghề truyền thống đem lại cho người dân thu nhập khá vì thị trường đầu ra ổn định, tuy vậy để phát triển làng nghề có quy mô thì rất cần có nguồn vốn đầu tư. Nếu thành lập được HTX làng nghề thì người dân chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất”.

 

Một làng nghề có truyền thống lâu đời khác đã và đang phát huy hiệu quả sản xuất là làng nghề sản xuất bún, bánh Thượng Trạch, Linh Chiểu ở thôn Thượng Trạch và thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Năm 2016, làng nghề sản xuất hơn 14.000 tấn bún bánh, đem lại doanh thu hơn 85 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng. Tại địa bàn này, dự án “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn” được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đã đầu tư xây dựng hoàn thành một số hạng mục như giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt.

 

Các hạng mục đang triển khai thực hiện gồm hệ thống cấp điện, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017, như vậy làng nghề sẽ có thêm điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, định hướng thành lập HTX làng nghề. Tại huyện Cam Lộ, HTX nấu cao dược liệu làng nghề Định Sơn (Cam Nghĩa) được thành lập tháng 7/ 2016 với 32 thành viên là những gia đình có trên 10 năm kinh nghiệm sản xuất cao dược liệu, chủ yếu là cao chè vằng...

 

Trung bình mỗi ngày, HTX làng nghề tiêu thụ từ 8-10 tấn lá để cho ra sản phẩm là 7 tạ cao thành phẩm xuất bán đi thị trường các tỉnh. Theo ông Trần Văn Luyến, Trưởng ban làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, đồng thời là thành viên HTX, thì việc thành lập HTX làng nghề đã giúp các thành viên có thể liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, uy tín. Và một khi đã thành lập HTX, có tư cách pháp nhân thì thời gian tới, khi có nguồn vốn đủ mạnh, các hộ làm nghề được vay vốn để mở rộng quy mô, HTX định hướng sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm và xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cao dược liệu.

 

Toàn tỉnh hiện có 53 làng nghề với 66 nghề, chủ yếu tập trung vào các nhóm nghề chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan. Trong số đó, mới chỉ có rất ít làng nghề thành lập HTX, Tổ hợp tác (THT). Như trên địa bàn huyện Hải Lăng, trong số 11 làng nghề thì mới có một làng nghề thành lập HTX là HTX sản xuất chổi đót Văn Phong (Hải Chánh), năm làng nghề thành lập THT là các THT sản xuất: bánh đa Phương Lang (Hải Ba), nón lá Trà Lộc (Hải Xuân), nón lá Văn Trị (Hải Tân), rượu Kim Long (Hải Quế), tổ sản xuất nước mắm xã Hải Khê và 3 tổ sản xuất nước mắm Mỹ Thủy (Hải An). Các THT nhìn chung đã phát huy vai trò liên kết các hộ làm nghề, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của các làng nghề hiện nay, chưa đủ tư cách pháp nhân để hỗ trợ hộ làm nghề trong việc vay vốn sản sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

 

Việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trong tỉnh gặp không ít khó khăn bởi chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết với nhau, kỹ thuật và công nghệ còn lạc hậu, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên không có sự ổn định. Kéo theo đó, các hộ làm nghề khó tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến và mở rộng thị trường. Trong bối cảnh đó, việc thành lập được các HTX làng nghề hoặc giao các HTX trên địa bàn có làng nghề thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho người làm nghề sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế của làng nghề.

 

Mô hình HTX vừa tạo động lực cho từng hộ nghề, vừa giải quyết những nhu cầu chung, đồng thời sản xuất làng nghề mới đạt hiệu quả cao hơn trên cơ sở chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của làng nghề nâng cao. Giải pháp cần thiết và quan trọng hiện nay là khuyến khích liên kết các hộ nghề sản xuất theo mô hình HTX hoặc tổ hợp tác. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết vấn đề về đất đai cho làng nghề, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, vận dụng các chính sách về vốn cho làng nghề, xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu vào và đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định để làng nghề phát triển hiệu quả.

Tác giả bài viết: Thanh Trúc

Nguồn tin: Báo Quảng Tri