Kinh tế hợp tác, một năm nhìn lại

Trong năm 2013, hoạt động của các hình thức tổ chức kinh tế ở các địa phương tỉnh Quảng Trị, mà nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biêt là nông dân nông thôn.
Đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân- Ảnh: TD
        Đến nay, toàn tỉnh có 306 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), trong đó thị xã Quảng Trị 8 HTX, thành phố Đông Hà 17 HTX, Cam Lộ 17 HTX, Đakrông 2 HTX, Gio Linh 51 HTX, Vĩnh Linh 58 HTX, Hải Lăng 55 HTX, Triệu Phong 93 HTX, Hướng Hoá 5 HTX. Năm 2013 tăng 6 HTX so với năm 2012 (thành lập mới 7 HTX và giải thể 1 HTX), các HTX hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ. Nhìn chung, các HTX cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ, kinh tế xã viên phát triển. Các dịch vụ quan trọng mà HTX giữ vai trò “bà đỡ” như giống, phân bón, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông… ngày càng được chú trọng và đi vào chiều sâu thiết thực, có hiệu quả; các dịch vụ mang tính mở như thu mua chế biến nông sản, tín dụng nội bộ, hoạt động kiểm dịch... phục vụ cho sản xuất và đời sống ngày càng được nâng cao, đem lại hiệu quả mọi mặt cho cuộc sống của xã viên và người lao động trong các HTX. 
     Kết quả phân loại năm 2013, toàn tỉnh có 37,7% HTX được đánh giá là hoạt động khá, giỏi; 49,6% hoạt động loại trung bình, 12,7% hoạt động còn hạn chế. Các HTX đã có những bước tiến bộ đáng kể về hoạt động kinh tế. Tổng doanh thu năm 2013 đạt 226.732 triệu đồng, tăng 35,8% so với năm 2012; tổng lợi nhuận đạt 22.299 triệu đồng, tăng 45% so với năm 2012. Năm 2013, hướng dẫn thành lập mới 5 HTX, trong đó thị xã Quảng Trị 3 HTX, Cam Lộ 2 HTX. Kinh phí của nhà nước thực hiện hỗ trợ thành lập mới HTX là 80 triệu đồng. Liên minh HTX&DNNQD tỉnh phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ HTX nông nghiệp tại các địa phương. Kết quả, đã mở được 11 lớp tập huấn với 615 người tham gia, gồm: 4 lớp Chủ nhiệm, 4 lớp Kế toán và 3 lớp Kiểm soát cho các HTX nông nghiệp trong tỉnh. 
     Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13/ TW5 (khóa IX) cho thấy vai trò các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp trong việc tổ chức các dịch vụ, hỗ trợ xã viên phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cũng như đóng góp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được khẳng định. Nhiều HTX nông nghiệp đã vận dụng các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp- nông thôn; tích cực vận động xã viên dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Một số HTX đã quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã viên đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế có giá trị cao từ 50-70 triệu đồng/ha/ năm trở lên; như hỗ trợ xã viên trồng cỏ nuôi bò nhốt, mô hình nuôi hươu lấy nhung, nuôi trồng thủy sản, nuôi ếch thương phẩm, mô hình nuôi lợn - cá, trồng rau an toàn, trồng hoa, trồng sen lấy hạt, trồng nấm, thêu ren xuất khẩu...Điển hình như HTX Đông Thanh-Đông Hà, HTX Triệu Thuận-Triệu Phong, HTX Thủy Ba Tây-Vĩnh Linh, HTX Phú Hưng, các HTX ở Hải Tân-Hải Lăng… Bên cạnh đó, nhiều HTX mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ chức liên doanh, liên kết, tích cực khâu nối đầu vào, đầu ra với các công ty doanh nghiệp; hỗ trợ xã viên phát triển kinh tế trang trại, gia trại, mở rộng các ngành nghề, giải quyết việc làm; sản phẩm của nông nghiệp đã từng bước trở thành hàng hóa cung ứng cho thị trường, điển hình như HTX Thống Nhất ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. 
     Trên lĩnh vực các HTX phi nông nghiệp cũng đã có những kết quả hoạt động tích cực đáng kể. Toàn tỉnh có 10 HTX giao thông vận tải (GTVT), trong đócó8 HTX vận tải ô tô vàvận tải đường sông, với 367 xã viên, tạo việc làm trên 750 lao động. Các HTX GTVT đã vượt qua khó khăn, tích cực vận động xã viên đổi mới phương tiện, tăng cường quản lý và điều phối luồng tuyến, kịp thời phục vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa. Một số HTX đã mở thêm một số tuyến ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức phục vụ tốt việc đi lại, nhất là trong các kỳ thi đại học, lễ, tết, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến xã viên về các biện pháp phòng ngừa tai nạn, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, điển hình như HTX ô tô Đông Hà. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có 15 HTX, trong đó năm 2013 thành lập mới 2 HTX ở thị xã Quảng Trị; hoạt động chủ yếu là gia công cơ khí, gò hàn, khai thác đá, cát sỏi, mộc và xây dựng dân dụng. 
     Các HTX Tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả, đã thu hút trên 400 xã viên và người lao động có việc làm thường xuyên. Một số HTX thành lập mới đã tạo ra giá trị sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân như HTX chổi đót Văn Phong-Hải Lăng, HTX Đồng Tâm, Đồng Lợi, Hữu Đạt- Gio Linh. Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), đến nay toàn tỉnh có 11 Qũy TDND hoạt động trên địa bàn 21 xã, phường, thị trấn, với 22.719 thành viên, bình quân mỗi quỹ có 2.065 thành viên, vốn điều lệ 15.832 triệu đồng, tăng 21,7% so với năm 2012, nguồn vốn huy động 530.835 triệu đồng, tăng 26,6%, bình quân 48.257 triệu đồng/quỹ, tổng doanh số cho vay 673.735 triệu đồng, lợi nhuận thu được 5.344 triệu đồng, dư nợ cho vay 457.319 triệu đồng, bình quân mỗi quỹ 41.574 triệu đồng. 
     Nhìn chung hoạt động của hệ thống Quỹ TDND đang được duy trì và phát triển tốt, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi, nhất là ở nông thôn. 100% Quỹ TDND hoạt động có lãi, quỹ có lãi cao nhất là Quỹ TDND Hồ Xá 1.898 triệu đồng, thấp nhất cũng đạt 181 triệu đồng/2013; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,44% tổng dư nợ. Toàn tỉnh có 3 HTX vệ sinh môi trường và 45 HTX dịch vụ nông nghiệp có tổ chức dịch vụ thu gom rác thải và xử lý môi trường. Năm qua, các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường đã cố gắng phát huy nội lực, đồng thời nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên các HTX đã từng bước hoạt động ổn định và có hiệu quả, góp phần quan trọng vào xử lý vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 
     Về lĩnh vực tổ hợp tác (THT), toàn tỉnh hiện có 7.151 THT, trong đó có 176 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có đăng ký chứng thực với UBND xã, phường (Đông Hà 20 tổ, Hải Lăng 140 tổ, thị xã Quảng Trị 16 tổ), tăng 150 tổ so với năm 2012. Bình quân một THT có 7 - 8 thành viên; THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động rất đa dạng, phong phú và linh hoạt, chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và dịch vụ. 
     Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế: Hiệu quả hoạt động ở một số HTX còn thấp, nhất là HTX nông nghiệp, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa chủ động, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chuyển đổi kịp thời theo cơ chế thị trường; cơ sở vật chất còn nghèo, thiếu vốn hoạt động, sức cạnh tranh yếu; các điển hình, nhân tố mới chưa nhiều; trình độ quản lý và điều hành của cán bộ quản lý HTX còn nhiều bất cập; một số HTX được hình thành nhưng chưa phát huy được vai trò tác động đến việc phát triển kinh tế của địa phương; vai trò của HTX về xây dựng nông thôn mới và tạo công việc làm cho người lao động còn nhiều mặt hạn chế. Việc hướng dẫn, chỉ đạo thành lập HTX tại một số địa phương chưa mạnh, hiệu quả chưa cao. 
     Để góp phần cho kinh tế hợp tác nói chung và trong nông nghiệp nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý nhà nước ở các cấp để củng cố , đổi mới, phát triển các HTX sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, đây là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển HTX, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về KTTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tài liệu, tổ chức hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, mục tiêu, giải pháp, vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp, mà trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến Luật HTX 2012 và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX như thành lập quỹ hỗ trợ HTX, có chính sách ưu tiên về đất đai để HTX mở rộng sản xuất- kinh doanh, xây dựng mô hình HTX kiểu mới trong xây dựng, phát triển nông thôn mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chủ chốt HTX. Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX theo hướng tăng cường kỹ năng quản lý, điều hành các HTX. 
     Hướng dẫn, tạo điều kiện để THT đăng ký hoạt động tại UBND xã, phường, thị trấn hoạt động theo đúng Nghị định 151/2007/ NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các THT hoạt động tốt hơn; khuyến khích hình thành vốn sử dụng chung, tổ chức cung ứng dịch vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho tổ viên, khi có điều kiện thì phát triển thành HTX. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX, THT hoạt động thuận lợi, quan tâm trong việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo và nhân rộng điển hình tiên tiến trong khu vực KTTT nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại, yếu kém của các HTX. 
     Các HTX cần phát huy nội lực là chính, vận động xã viên tham gia HTX, góp thêm vốn, tổ chức liên doanh, liên kết với các HTX khác, với các doanh nghiệp. Xây dựng, bổ sung Điều lệ HTX cho phù hợp những quy định mới, có phương án sản xuất- kinh doanh đúng đắn, có tính khả thi cao. Quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ phát triển các HTX, nâng cao thu nhập cho xã viên và người lao động mà còn góp phần đáng kể làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Quảng Trị trong thời kỳ phát triển và hội nhập. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Báo Quảng Tri