Hợp tác xã DVNNTH Triệu Thuận: Làm tốt khâu dịch vụ cho xã viên

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (DVNNTH) Triệu Thuận thuộc huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thành lập từ năm 1978, có quy mô toàn xã. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi HTX theo Luật HTX 1996, HTX chuyển sang phương thức hoạt động mới, tự điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Bê tông hóa kênh mương ở xã Triệu Thuận - Ảnh: LỆ NHƯ
     Mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng được sự lãnh đạo, hỗ trợ của Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, sự ủng hộ tích cực của xã viên, cán bộ HTX mạnh dạn thay đổi trong điều hành sản xuất, tổ chức một số khâu dịch vụ cơ bản để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, hoạt động ổn định. 
Với tổng diện tích đất nông nghiệp 499.0 ha, trong đó đất lúa 320 ha, đất màu 160 ha, đất nuôi trồng thủy sản và ao hồ 18,6 ha, trong những năm qua, HTX đã tích cực vận động xã viên tham gia góp cổ phần. Đến nay vốn Điều lệ HTX có 2.238 triệu đồng, tổng nguồn vốn của HTX là 7.469 triệu đồng. 
     Năm 2013, tuy gặp khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nạn chuột phá hoại trên diện rộng, nhưng nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của cán bộ và xã viên nên HTX đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra. Tập trung chỉ đạo xã viên bố trí gieo trồng đúng lịch thời vụ; tích cực đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thử nghiệm các giống lúa mới, triển khai các mô hình sản xuất, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi để đạt được hiệu quả kinh tế ngày càng cao. HTX đã tích cực chỉnh trang, quy hoạch lại đồng ruộng, đường giao thông nội đồng, tổ chức dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. 
     Trong năm, HTX đã tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo về sản xuất rau an toàn, chăn nuôi lợn thâm canh, chăn nuôi gà, điện dân dụng, phân bón, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, tập huấn chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản... Khảo nghiệm và trình diễn mô hình các loại giống vụ hè thu gồm 8 loại giống: OM 4218, OM 6932, OM 2395, OM 6976, HC95, MT 18, BBồ Đề X1, BBồ Đề X2 đã được huyện chọn làm điểm tham quan hội thảo. Tổ chức sản xuất 20 ha giống xác nhận để cung ứng giống đảm bảo chất lượng cho người dân. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ 9 triệu đồng để mua 3 tấn giống lúa nguyên chủng các loại giúp người dân tự sản xuất giống trong hộ. 
     Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư 115,5 triệu đồng để mua các công cụ sạ hàng và tổ chức tập huấn để xã viên nắm bắt được kỹ thuật cũng như hiệu quả trong việc sử dụng máy sạ hàng. Tính đến năm 2013 HTX đã hỗ trợ cho xã viên 150 máy sạ hàng với nguồn kinh phí trên 150 triệu đồng. HTX đã cử một cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, điều tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, đưa ra dự báo tình hình sâu bệnh kịp thời, đồng thời cung ứng thuốc BVTV đảm bảo phẩm chất, chất lượng, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc đúng quy cách, nhờ vậy tuy trong năm sâu cuốn lá lúa phát sinh gây hại nặng, rầy nâu gây cháy tràn lan ở các địa phương lân cận nhưng trên địa bàn HTX bị thiệt hại không đáng kể. 
     Kết quả vụ đông xuân năng suất lúa đạt 54 tạ/ha; vụ hè thu năng suất lúa đạt 45,8 tạ/ha, đứng đầu huyện về năng suất lúa năm 2013. Công tác bảo vệ đồng ruộng được HTX tăng cường, nhờ làm tốt công tác bảo vệ cây trồng, hoa màu, đến nay có 100% diện tích được gieo trồng từ 2 vụ trở lên, đặc biệt vùng biền bãi trước đây chỉ làm 1 vụ thì những năm gần đây người dân đã gieo trồng theo phương thức xen canh lạc- sắn- ngô đã tăng hệ số gieo trồng lên 3 vụ/năm, góp phần tăng thu nhập cho xã viên. 
     Năm 2013 toàn HTX có 320 ha lúa cần phải đảm bảo nước tưới, trong đó có 41 ha phải dùng máy bơm, 60 ha cao khó tưới, 80 ha thấp trũng. Hệ thống thủy lợi chỉ có 2 trạm bơm điện, 1 trạm bơm dầu, 2 tuyến kênh cấp II dài 5,5 km, 24 cống vượt cấp thuộc hệ thống N1 và khoảng 25 km kênh cấp 3, cấp 4. HTX đã thành lập một tổ thủy nông gồm 28 người trực tiếp điều tiết nước đến từng thửa ruộng cho xã viên. Bên cạnh đó nhờ làm tốt công tác nạo vét, duy tu bảo dưỡng kênh mương, tổ chức điều hành tốt nên hàng năm nước tưới luôn đảm bảo. 
     Trong năm 2013 để hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa được thuận lợi, HTX đã thuê máy múc để đào 12 km kênh thoát, 5 km kênh tưới, đồng thời quy hoạch lại hệ thống kênh tưới tiêu trên toàn HTX, xây 16 cầu cống, đặt thêm 80 hệ thống cống với tổng kinh phí 410 triệu đồng. Đến nay toàn HTX có 85% tuyến đường chính ra đồng ruộng đã được cứng hóa, có 9 tổ làm đất gồm 45 máy cày tay và 90 người tham gia, HTX hỗ trợ cho tổ làm đất với tổng số vốn 320 triệu đồng; có 10 tổ máy thu hoạch và tách hạt lúa với 3 máy gặt đập liên hợp và 25 guồng tuốt lúa. 
     HTX là một đơn vị đứng đầu huyện trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc. Năm qua, HTX đã hỗ trợ 100% tiền vắc-xin và tiền công tiêm phòng lợn, nhờ vậy việc tiêm phòng lợn đạt trên 98%, tiêm phòng trâu bò đạt 85%. Nhờ làm tốt công tác tiêm phòng nên trong nhiều năm trên địa bàn dịch bệnh không xảy ra, tạo điều kiện cho xã viên phát triển chăn nuôi. Đàn trâu bò trong năm có 540 con, tỷ lệ bò lai zê bu đạt 35%, hàng năm bán ra thị trường khoảng 220 con trâu bò; đàn lợn có 9.320 con, trong năm xuất chuồng hơn 8.000 con lợn. HTX đã mua 100 con lợn giống F1 để cấp cho người nuôi nái nhằm tăng tỷ lệ nái F1 trong đàn, nâng cao chất lượng đàn lợn nái. Ngoài ra, HTX còn đưa ra nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ xã viên nuôi giống nái F1: 100.000 đồng/nái F1 nuôi thành công (đẻ lứa đầu), hỗ trợ 100.000 đồng cho 1 bê lai ra đời và hỗ trợ 1 triệu đồng cho hộ xây dựng được hố biogas, đến nay toàn HTX đã có 36 hộ có hố khí biogas. 
     Nhờ làm tốt các khâu dịch vụ nên HTX đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ xã viên ngày càng phát triển. Tổng doanh thu các khâu dịch vụ trong năm 2013 của HTX DVNNTH Triệu Thuận đạt 5,2 tỷ đồng; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thắm

Nguồn tin: Báo Quảng Tri