Đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã kiểu mới ở Hải Lăng

Hải Lăng là một trong những địa phương đi đầu quan tâm phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở tỉnh. Sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời, huyện đã khuyến khích các HTX trên địa bàn loại bỏ dần những phương thức hoạt động lạc hậu, tích cực chuyển đổi xây dựng HTX kiểu mới.
Phát triển mô hình sen- cá ở Hải Lăng. Ảnh: Hồ Cầu
HTX Đại An Khê, xã Hải Thượng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu ở tỉnh về chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hội đồng quản trị HTX này có nhiều đổi mới về nhận thức, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phương thức canh tác, quy hoạch, sắp xếp lại ruộng đất, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung chuyên canh. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động thương mại, dịch vụ, tham gia đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi; coi trọng liên kết, liên doanh nhằm tăng sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường.

 

Đến nay, HTX đã quy hoạch vùng tập trung chuyên canh một số cây giống chính, điển hình như bố trí 40 ha sản xuất cánh đồng lớn và đưa vào sản xuất giống lúa Thiên Ưu 8; 100 ha sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất giống lúa HC95; phát triển được 80 ha sắn nguyên liệu KM94 cho giá trị thu nhập bình quân từ 65-70 triệu đồng/ha/năm. HTX triển khai chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi gà theo quy mô tập trung, đặc biệt là đàn bò được lai hóa 100% tổng đàn.

 

HTX cũng đã phát huy lợi thế của tiểu vùng, tổ chức ươm nuôi cá giống với diện tích 31 ha, hàng năm ươm nuôi và xuất bán trên 30 triệu con cá bột và 1 triệu con cá giống các loại; kết hợp mô hình lợn- cá hiệu quả. Đơn vị duy trì ổn định nhóm hộ gieo ươm giống cây lâm nghiệp, mỗi năm sản xuất được trên 80 vạn cây giống các loại; duy trì tốt nghề xay xát, chế biến nông phẩm, trồng nấm, làm bánh truyền thống…Các hoạt động thương mại dịch vụ ở HTX được mở rộng, giải quyết việc trao đổi hàng hóa, góp phần tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế tập thể và hộ gia đình.

 

Đến năm 2016, thu nhập toàn HTX đạt 78,7 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, HTX đã phối hợp với các cấp, ngành địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường bê tông của thôn, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, xây dựng hệ thống điện sáng đường quê, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nội đồng…

 

Không chỉ HTX Đại An Khê mà các HTX khác ở huyện đã chuyển đổi có hiệu quả Luật HTX năm 2012 như: HTX Phú Hưng, HTX Long Hưng, HTX Trung Đơn, HTX Câu Nhi… Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn triển khai chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa với 5 cây - 3 con chủ lực; kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các giải pháp, chính sách cụ thể. Hiện nay, huyện đang ban hành đề án “Hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tiềm năng phát triển, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó của các HTX, đến hết năm 2016 Hải Lăng đã hoàn thành đại hội chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 cho 54 HTX nông nghiệp. Kết quả có 52 HTX chuyển đổi và 2 HTX chuyển sang hình thức hoạt động tổ hợp tác. Tổng số thành viên HTX toàn huyện 18.780 người, trong đó vốn góp thành viên 21,945 triệu đồng; tổng tài sản cố định 119,553 tỷ đồng, lưu động 56,936 tỷ đồng, doanh thu 89,345 tỷ đồng, lãi 9,536 tỷ đồng.

 

Đến nay, toàn huyện có 19 HTX tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 574 ha. Có 3 HTX (Đại An Khê, Diên Khánh và Thọ Nam) đang áp dụng sản xuất lúa hữu cơ, liên kết bao tiêu sản phẩm với Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển thuộc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Đại Nam với diện tích khoảng 15,2 ha và HTX Kim Long sản xuất lúa theo hướng canh tác hữu cơ truyền thống khoảng 3 ha.

 

Nhiều HTX đã tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, điển hình như các HTX Long Hưng và Phú Hưng có quy mô chăn nuôi lợn phát triến khá mạnh. Một số HTX trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư mô hình sản xuất rau công nghệ cao, tiêu biểu như HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng Garden đầu tư kinh phí 2 tỷ đồng để trồng rau thủy canh.

 

Một số HTX trực tiếp đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp với thành viên, đại diện cho thành viên ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến nông sản, như: HTX Câu Nhi với quy mô sản xuất cánh đồng lớn liên kết với Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh thu mua sản phẩm lúa với giá cao hơn 300 - 500 đồng/ kg; HTX Kim Long sản xuất lúa đặc sản Uron Thái Lan, Bồ Đề 688X2 và đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chăm Chăm Quảng Trị bao tiêu sản phẩm; các HTX Văn Quỹ, Văn Trị, Trung Đơn sản xuất giống lúa Thiên Ưu 8 và liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 800 - 1.000 đồng/kg…

 

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 13 về đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đến nay toàn huyện có 4 xã về đích nông thôn mới. Trong năm 2017 huyện phấn đấu có thêm 2 xã về đích nông thôn mới, đối với các xã còn lại, bình quân hàng năm tăng từ 2 - 3 tiêu chí. Qua 4 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, năm 2016, toàn huyện có 17 HTX đạt loại giỏi, 25 HTX đạt loại khá, 10 HTX đạt loại trung bình, không có HTX yếu kém; có 11 HTX được công nhận HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.

 

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Để phát huy vai trò, vị thế HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, huyện tiếp tục nghiên cứu và ban hành những chính sách phù hợp. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cho HTX. Có chính sách thu hút nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tín dụng, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mạnh đạn đầu tư, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ theo hướng sạch, hữu cơ, an toàn. Các HTX trên địa bàn cần xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển phù hợp để đem lại hiệu quả cao”.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang

Nguồn tin: Báo Quảng Tri