Xây dựng nông thôn mới cần cách tiếp cận mới

Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh Quảng Trị đã có 42/117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 35,9%, bình quân đạt 14,25 tiêu chí/ xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Quá trình xây dựng NTM đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nâng cấp, từng bước hoàn thiện; thu nhập và điều kiện sống của đa số nhân dân được cải thiện. Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn.
Vùng quê Triệu Phong hôm nay. Ảnh: PV
Tuy nhiên, phong trào xây dựng NTM có dấu hiệu chững lại, các xã về sau càng khó khăn và có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện NTM ở các vùng, miền, nhất là vùng miền núi. Việc chú trọng đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng gây áp lực lớn về ngân sách, trong khi đó vấn đề quan trọng nhất là sinh kế, đời sống của người dân ở các làng quê NTM chậm thay đổi; lợi thế của địa phương về sản vật, cảnh quan, văn hóa… chưa được khai thác hết tiềm năng. Thực tiễn xây dựng NTM cho thấy, người dân chính là đối tượng hưởng thụ thành quả chương trình xây dựng NTM nhưng lại chịu áp lực đóng góp cao, nhất là hộ nghèo. Đối với các địa bàn miền núi dân tộc thiểu số khó khăn như Đakrông, Hướng Hóa, các tiêu chí của trung ương chưa có sự phân biệt giữa địa bàn thuận lợi và địa bàn khó khăn; áp lực xã về đích NTM dẫn đến việc dồn quá nhiều nguồn lực thực hiện một số tiêu chí chạy theo bề nổi, hình thức, chủ yếu là xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, chưa hướng đến hiệu quả, kết quả thiết thực với người dân. Phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ cốt lõi trong xây dựng NTM nhưng vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất của chương trình xây dựng NTM. Mặc dù đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, nhưng đến nay huyện Đakrông chưa có xã nào về đích NTM; huyện Hướng Hóa sau 5 xã dọc Quốc lộ 9 về đích NTM thì các xã vùng bản rất khó khăn; ngay cả những xã được tỉnh chọn làm điểm phát động xây dựng NTM như Mò Ó (Đakrông) và Thuận (Hướng Hóa) cũng chưa xác định được lộ trình về đích NTM. Vì vậy, để phát huy hiệu quả chương trình xây dựng NTM cần cách tiếp cận mới, chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất tăng thu nhập cho nhân dân, từ đó phát huy nội lực của người dân nông thôn trong xây dựng NTM.

 

Để phong trào xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực theo hướng phát triển nội sinh, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lí, khoa học công nghệ, văn hóa, lòng tự tôn, tự hào dân tộc…), Chính phủ vừa ban hành Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”; “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”, xem đây là giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đối với đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn, đạt dưới 10 tiêu chí NTM đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Trị có tổng cộng 93 bản đặc biệt khó khăn thuộc 10 xã của 2 huyện Đakrông (A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Long, Ba Nang) và Hướng Hóa (Hướng Lập, Hướng Phùng, A Dơi, Thanh, Ba Tầng). Mục tiêu đề ra tại các xã thuộc phạm vi đề án, tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm ít nhất 5% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đến năm 2020 thu nhập của người dân tăng ít nhất 1,6- 1,8 lần so với năm 2015.

 

Các thôn thuộc phạm vi đề án có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyện liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm; cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân (điện, nước sinh hoạt và hạ tầng phục vụ sản xuất); phấn đấu 50% thôn trong phạm vi đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí NTM. Đối với các xã còn lại thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Thông qua phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM của tỉnh.

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Nguồn tin: Báo Quảng Tri