Làn gió mới ở xã Thanh

Tuy con đường đến đích xây dựng thành công nông thôn mới còn dài nhưng Đảng ủy, chính quyền xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn giữ vững niềm tin. Đồng hành cùng ngườ i dân, họ cảm nhận rõ sự đổi thay trong nhận thức, hành động của bà con. Từ trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân đã trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Bản làng ngày mới
Anh Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh giới thiệu cho chúng tôi về những công trình khang trang vừa được xây dựng ở địa phương, nhiều mô hình kinh tế mới cho hiệu quả cao, sự đổi thay trong nhận thức của người dân… Xã Thanh xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp. Dân bản vẫn còn trăn trở với bài toán thoát nghèo của gia đình mình nên rất khó có điều kiện để chung tay, góp sức thay đổi diện mạo bản làng. Trong khi đó, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới không dễ hoàn thành ngay cả đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. 
Để tháo gỡ khó khăn, điều mà lãnh đạo địa phương nghĩ đến đầu tiên là cần thay đổi nhận thức của người dân. Lần đầu nghe thông tin về chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân khấp khởi mừng vì nghĩ sẽ được hỗ trợ bao cấp như trước đây. Họ chưa hiểu việc xây dựng nông thôn mới cần sự đồng lòng, đồng sức của mọi người và người dân chính là chủ thể. Từ thực tế đó, cán bộ xã Thanh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc họp thôn, hội nghị phổ biến văn bản hướng dẫn; treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi… Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, nhận thức của người dân đã có sự đổi thay đáng kể. Bà con đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho công tác quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; giữ gìn an ninh, trật tự; nỗ lực để đạt tiêu chuẩn làng bản văn hóa… 

Lâu nay, đối với người dân xã Thanh, tấc đất chính là tấc vàng. Thế nên trong xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã xác định khó để vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Điều làm ai cũng ngạc nhiên là khi vấn đề thiếu đất để xây dựng trường học, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng… được đặt ra trong cuộc họp thôn, nhiều người dân đã hào phóng hiến tặng nương vườn của mình như gia đình các ông Pả Thong (bản Xung), Pả Ta Hơn (bản 8), Pả Bổ (bản Thanh 4), Hồ Văn Bảy (bản Thanh 1)... 

Ông Pả Thong chia sẻ: “Tôi tin bản làng sẽ ngày càng khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Là người có uy tín ở bản Xung, tôi nghĩ bản thân phải đi đầu, làm gương cho bà con noi theo. Thế nên, tôi quyết định hiến đất để xây dựng điểm Trường mầm non Xung- Ta Nua Cô. Với tôi, đất rất quý nhưng đầu tư cho thế hệ tương lai của bản làng quan trọng hơn nhiều. Điều tôi mừng nhất là ngày càng có nhiều người dân trong bản, trên địa bàn xã cũng tình nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội”. Không dừng ở tình nguyện hiến đất, nhiều người dân còn đóng góp ngày công, tham gia giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. 

Xác định để xây dựng nông thôn mới thành công, trước hết người dân phải có cuộc sống no ấm, lãnh đạo xã Thanh tập trung vận động bà con tham gia các lớp đào tạo nghề và xây dựng mô hình kinh tế mới. Bên cạnh sắn và chuối, hiện nay nhiều loại cây trồng mới đã được người dân chăm trồng, cho thu nhập khá. Từ vài cây trồng thử nghiệm ban đầu, giờ đây, người dân xã Thanh đã có 40 ha cao su. Mô hình chăn nuôi lợn, trồng cỏ voi, nuôi bò sinh sản… cũng được đông đảo người dân triển khai, mang lại thu nhập khá. “Có một thời, mọi người đến với các lớp tập huấn, dạy nghề cốt để nhận… tiền hoặc quà. Giờ thì nhận thức người đã khác rồi, ai cũng biết phải nghiêm túc dự tập huấn, học nghề để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Nhờ chịu khó học hỏi, làm ăn và giúp nhau phát triển kinh tế mà nhiều hộ dân có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng”, một người dân địa phương chia sẻ. 

Sự nỗ lực không ngừng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Thanh đã mang lại thành quả bước đầu. Hiện tại, địa phương đã đạt nhiều tiêu chí khó như: thủy lợi, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, y tế, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự… Theo thống kê, xã Thanh đã đạt tổng cộng 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nếu so với các địa phương dọc tuyến đường 9 thuộc huyện Hướng Hóa hay xã đồng bằng, các tiêu chí đã đạt được chưa nhiều. Tuy nhiên, căn cứ từ thực tế còn nhiều khó khăn của xã Thanh và sự nỗ lực vươn lên của người dân, đây là một tín hiệu rất khả quan. 

Anh Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết: “Hiện nay, xã Thanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các tiêu chí: giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… Đây là bài toán khó khiến chính quyền và nhân dân địa phương rất trăn trở. Tuy nhiên, nếu nhận được sự hỗ trợ của cấp trên và đặc biệt là sự đồng thuận cao từ người dân, chắc chắn con đường đến đích xây dựng nông thôn mới xã Thanh sẽ ngắn lại”. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: TÂY LONG

Nguồn tin: Báo Quảng Tri