Chương trình 30a đồng hành cùng huyện Đakrông trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo (tên gọi đầy đủ là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững) đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện), là một chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, người dân các dân tộc thiểu số ở 64 huyện nghèo trong cả nước để đến năm 2020 có thể ngang bằng với các huyện khác trong khu vực. Ngày 27/12/2008, Chính phủ ra Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP chính thức triển khai chương trình này.
Công trình Trạm Y tế xã Hướng Hiệp (Đakrông) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 30a

      Mục tiêu của chương trình được xác định trong Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm xuống còn 40% vào năm 2010, xuống bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015 và xuống bằng mức trung bình của khu vực vào năm 2020. Thu nhập bình quân của các hộ ở huyện nghèo vào năm 2020 sẽ cao gấp 5,6 lần hiện nay. Tỷ lệ lao động nông thôn được tập huấn và đào tạo đạt trên 25% vào năm 2010, trên 40% vào năm 2015, trên 50% vào năm 2020. Đến năm 2020, giao thông sẽ thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản đã được quy hoạch; điện sinh hoạt được cung cấp cho hầu hết dân cư; điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được cơ bản đảm bảo. 
      Huyện Đakrông là một trong 64 huyện thuộc huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Trong 5 năm qua (2009- 2013), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện Đakrông đã tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình 30a trên địa bàn ở 4 lĩnh vực: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập (kể cả xuất khẩu lao động); đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; bổ sung nguồn lực con người ở các cấp quản lý và các tổ công tác; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn/bản, xã và huyện. 
Đặc biệt, từ khi Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình XDNTM), các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn huyện đã tích cực, năng động tổ chức triển khai lồng ghép cùng với các nội dung đầu tư, hỗ trợ từ chương trình 30a, đảm bảo sự kết hợp hài hòa, nâng cao hiệu quả đầu tư từ 2 chương trình trên. 
Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn/bản, xã và huyện, BCĐ huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo theo Nghị quyết 30a như: Hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thức ăn gia súc, phân bón, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, giao khoán rừng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng rừng và giao đất trồng rừng. 
      Theo số liệu báo cáo trong 5 năm qua đã hỗ trợ: 1.404 kg giống lúa các loại, 5.734 kg giống lạc L14, 4.538 kg ngô giống, 15.410 cây chuối lùn giống, 211 con lợn giống F1, 53 con lợn nái Móng Cái, 92 con trâu cái địa phương, 569 con bò cái vàng Việt Nam, 5.830 kg thức ăn gia súc, 27.069 kg phân bón NPK...; hỗ trợ nguyên vật liệu làm chuồng trại gia súc cho 700 hộ gia đình nghèo các xã; đã khai hoang, phục hóa 29,1 ha cho 248 hộ gia đình; xây dựng các mô hình trồng cỏ VA 06 để nuôi bò, các mô hình trồng cao su tiểu điền với quy mô 35 ha tại các xã Hải Phúc, Mò Ó, Hướng Hiệp và thị trấn Krông Klang; giao khoán được 7.750 ha rừng cho hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ 425 tấn gạo cho 563 hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực và giao đất trồng rừng trên 1.137 ha đất cho 697 hộ gia đình; đã giải quyết và tạo việc làm mới cho khoảng 700 lao động/ năm, 325 lao động đã tham gia XKLĐ tại nước ngoài, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 24%, trong đó đào tạo nghề là 13,2%. 
     Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình XD NTM và các chương trình, dự án khác được đầu tư, hỗ trợ cho huyện đã thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã, thay đổi cơ bản các phong tục, tập quán canh tác, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, người dân được tiếp cận nhiều với các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, giúp họ mở mang tư duy, nâng cao nhận thức, có ý thức tự chủ vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể từ 48% khi mới bắt đầu triển khai đề án (đầu năm 2009) giảm xuống còn 34,91% (cuối năm 2012). 
      Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2012 cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện còn khá cao tới 34,91%, hộ cận nghèo chiếm 11,67%, trong đó có những xã trên 40% như các xã Ba Nang 50,94%, A Vao 45,96%, Tà Rụt 45,53%, A Bung 43,48%..., chỉ có 2 xã dưới 10% (Ba lòng và Triêu Nguyên). Trong khi đó mục tiêu của chương trình đặt ra là đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm xuống bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015 và xuống bằng mức trung bình của khu vực vào năm 2020. Với tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh vào cuối năm 2012 là 13,52% và hộ cận nghèo là 12,11%, thì chỉ tiêu giảm nghèo của huyện Đakrông mới đạt gần 38% mức trung bình của tỉnh. Riêng 3 xã được chọn làm thí điểm xây dựng NTM của tỉnh và huyện là Mò Ó, Hướng Hiệp và A Ngo, tỷ lệ hộ nghèo cũng xấp xỉ mức bình quân của huyện (xã Mò Ó 28,03%, Hướng Hiệp 32,94% và A Ngo 39,8%) và với mục tiêu phấn đấu đưa 3 xã trên đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, trong đó tiêu chí hộ nghèo phải đạt mức quy định là 5%. Đây thực sự là bài toán khó cho các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Đakrông trong tiến trình vừa xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đề ra. 
      Đồng hành với huyện để triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề ra chương trình hành động đến năm 2020, với quyết tâm đưa huyện Đakrông giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, ngoài nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho huyện đến năm 2020 từ Trung ương là 1.011 tỷ đồng (gồm 850 tỷ đồng đầu tư từ Nghị quyết 30a, 110,7 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia và 268,2 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ), tỉnh sẽ huy động thêm từ ngân sách địa phương 60 tỷ đồng, lồng ghép từ nguồn ODA 55 tỷ đồng và nguồn huy động các tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân 50 tỷ đồng... Với các nguồn vốn trên, kết hợp với nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, tin tưởng rằng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Đakrông sẽ phấn đấu đưa Đakrông ra khỏi huyện nghèo một cách bền vững. 
 

 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC DƯỠNG