Xây dựng thương hiệu Bún Sòng - Cam Lộ

Làng nghề bún Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ có từ lâu đời cùng với lịch sử hình thành và phát triển của cư dân trong làng vào thế kỷ thứ XIV. Theo lời của các cụ cao niên trong làng kể lại, khi mới di dân từ quê cũ Thanh Hóa vào lập làng Cẩm Thạch, hầu hết các hộ dân đều giữ nghề truyền thống làm bún để bán, một bộ phận nhỏ trồng lúa cung cấp nguyên liệu cho nghề làm bún. Cùng với sự phát triển của làng nghề bún truyền thống, số hộ kinh doanh dịch vụ ngày càng được mở mang thêm. Hiện nay, thôn Cẩm Thạch có 108 hộ dân, trong đó có 34 hộ chuyên sản xuất bún, 17 hộ làm nông nghiệp, số hộ còn lại kinh doanh dịch vụ và các nghề phụ khác. Sản phẩm bún Cẩm Thạch làm ra ban đầu đem bán ở Chợ Sòng- Cam Lộ với hương vị rất đặc trưng: thơm, ngọt, béo, dai, ngon nức tiếng trong vùng, nên người ta thường gọi Bún Sòng.
Đón nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ
Ông Nguyễn Văn Cẩm, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Thạch, xã Cam An, cho biết: “Mặc dù nghề bún làng Cẩm Thạch có lịch sử từ lâu đời, đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề truyền thống năm 2014, nhưng các hộ sản xuất nhỏ lẻ, làm bún trơn chưa có thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, nên đưa ra thị trường bán không phân biệt được với bún các nơi khác. Hiện nay, một số hộ làm bún với quy trình hiện đại chỉ mất 1 ngày từ khâu đãi gạo, đưa vào xay xát, để khoảng 7- 8 giờ đồng hồ cho lắng bột, sau đó đưa bột vào ép khô 3- 4 giờ rồi đưa bột vào máy làm bún, cho sợi bún đều và đẹp. Tuy nhiên, sản xuất theo quy trình này sản phẩm bún không ngon như bún truyền thống làng nghề Cẩm Thạch, vì bỏ qua bí quyết của làng nghề ở khâu ngâm, ủ gạo để có hương vị ngon đặc trưng. Mặt khác, sản xuất bún không qua quy trình xử lý ngâm, ủ gạo và bột gạo, khi cho bún vào nước nóng dễ dàng nhận ra có màu trắng đục, sợi bún không dai và trong như bún Cẩm Thạch. Khó khăn hiện nay của làng nghề bún Cẩm Thạch là chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác bao bì sản phẩm, nên khó phân biệt với các loại bún khác để cạnh tranh trên thị trường”.

 

Sở dĩ Bún Sòng của làng nghề bún Cẩm Thạch ngon và có hương vị đặc trưng riêng là nhờ vào bí quyết gia truyền của làng nghề. Kinh nghiệm của những người làm bún lâu năm trong làng nghề cho biết, để có bún ngon trước tiên phải chọn được loại gạo thích hợp, nhiều tinh bột. Từ xa xưa làng Cẩm Thạch chọn loại gạo Dầm (gạo đỏ) để sản xuất bún, vì thế bún của làng có màu hồng đặc trưng. Nay loại gạo Dầm này rất hiếm, rồi thị trường thích bún màu trắng trong, nên người dân chọn các loại gạo Khang Dân, VN 10 để sản xuất, cho đến năm 2017 thí điểm thành công gạo BTR-1 để sản xuất và làm bún đại trà. Quy trình làm bún ngâm gạo khoảng 1 giờ, ủ qua 1 đêm, đãi sạch lớp cám gạo, ủ thêm 1 đêm cho lên men và đãi sạch mùi chua, xay gạo thành bột, để bột gạo ngâm qua một đêm lắng lấy nước trong trên mặt, rồi cho bột gạo vào ép ráo, để bột qua 1 đêm nữa mới đưa vào máy làm ra bún.

 

Trước đây sản xuất bún bằng thủ công mất thời gian 1 tuần mới có bún thành phẩm, nay nhờ áp dụng khoa học- kỹ thuật vào các khâu xay xát gạo, ép bột, cán bún thành sợi nên giải phóng sức lao động và rút ngắn thời gian xuống còn khoảng 4 ngày, chất lượng bún tốt hơn, năng suất lao động cao hơn. Với quy trình ngâm, ủ nguyên liệu kỳ công như thế, nên bún của làng nghề Cẩm Thạch có hương vị thơm rất riêng, vừa chua, ngọt, béo, dai và trong, có thể để được lâu ngày. Một đặc trưng khác nữa là bún làng nghê Cẩm Thạch rất “háo nước”, rút nước thấm vào sợi bún rất nhanh, nên thích hợp với rất nhiều món ăn truyền thống như: bún ăn với mắm nêm, bún ăn với lẫu, bún giò, bún bò, bún hến, bún thịt nướng…

 

Để xây dựng thương hiệu Bún SòngCam Lộ, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, từ năm 2005, Hội LHPN xã đã tranh thủ dự án UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc) tập huấn cho 40 chị làm nghề bún về sản xuất hơp vệ sinh, an toàn thực phẩm, kỹ năng bán hàng và định hướng mở rộng quy mô sản xuất, qua đó tạo chuyển biến tích cực nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì và phát triển làng nghể theo hướng hiện đại hóa. Năm 2008, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng mô hình điểm nhà xưởng hợp vệ sinh, kết hợp xây dựng bình bioga công nghệ mới và máy sản xuất bún dây chuyền bán tự động cho hộ gia đình anh Bùi Minh Triển. Từ đó, mô hình được người dân nhân rộng, đến nay có 17/ 34 hộ đầu tư máy sản xuất bún liên hoàn bán tự động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Công đoạn chế biến bún bằng máy liên hoàn bán tự động gạo chỉ ngâm- xay- ép ráo- đưa vào máy đùn thành sợi, không còn ngâm ủ theo truyền thống nữa nên chi phí nhân công giảm, năng suất lao động tăng, sản phẩm bún đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu Bún Sòng phát triển bền vững, cần tiếp tục đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, phong phú, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như bún khô, bún tươi lâu ngày… và vẫn giữ được hương vị đặc trưng Bún Sòng của làng nghề bún Cẩm Thạch. Mặt khác, quan tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, sản xuất bún hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.

 

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Quá trình xây dựng thương hiệu Bún Sòng- Cam Lộ, làng nghề bún truyền thống Cẩm Thạch đã được quy hoạch vùng sản xuất tập trung đưa ra khỏi khu dân cư để đảm bảo xử lý môi trường. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu Bún Sòng chú trọng kết hợp phương thức sản xuất truyền thống với áp dụng công nghệ mới nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn giữ được hương vị bún đặc trưng của làng nghề. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo xúc tiến thành lập HTX làng nghề bún truyền thống, xây dựng mô hình dịch vụ liên kết đầu vào sử dụng gạo BTR-1 của HTX nông nghiệp Cam An sản xuất riêng để chế biến bún, duy trì và phát triển nghề bún đảm bảo mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 6 tấn bún, doanh thu 60 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 112 lao động. Đồng thời, tăng cường thông tin thị trường giúp làng nghề biết nhu cầu sử dụng bún; xây dựng thương hiệu sản phẩm Bún Sòng, thương hiệu làng nghề bún Cẩm Thạch; xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với các giải pháp đồng bộ đó, tin tưởng thương hiệu Bún Sòng- Cam Lộ sẽ vươn xa chiếm lĩnh thị trường, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân làng nghề làm bún của địa phương”.

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Nguồn tin: Báo Quảng Tri