Vươn lên từ nghề truyền thống

Từ đôi bàn tay trắng, đôi vợ chồng trẻ Lê Hữu Nam (38 tuổi) và chị Võ Thị Thảo (33 tuổi) ở đội 4, thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu bằng nghề bánh ướt truyền thống của quê hương.
Cơ sở sản xuất bánh ướt của anh Nam
     Năm 2000, anh Nam và chị Thảo nên duyên vợ chồng, thời điểm ấy hoàn cảnh của họ gặp không ít khó khăn về kinh tế. Sau ngày cưới, anh Nam nhận thêm ruộng để làm còn chị Thảo rong ruổi khắp các vùng quê để bán bánh ướt dạo. Rồi lần lượt 4 đứa con ra đời càng khiến cho đời sống của họ gặp vô vàn khó khăn.
     Trước hoàn cảnh đó, anh Nam quyết định vay mượn anh em để mua chiếc máy gặt tay thu hoạch lúa cho bà con nhằm kiếm thêm thu nhập nuôi vợ con. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, khi những chiếc máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều thì máy gặt tay của anh Nam không còn được bà con ưa chuộng, anh Nam quyết định bán chiếc máy gặt để tính kế làm ăn theo hướng khác. 
     Trong những lần tham quan các mô hình máy tráng bánh ướt của các đồng hương đang làm ăn nơi khác, anh chị nhận thấy đây là cách làm có thể áp dụng được tại quê nhà nên mày mò tìm hiểu và quyết định đầu tư máy móc để làm ăn. Nhờ cần cù, chịu khó cùng với lối làm ăn uy tín, luôn tìm cách nâng cao chất lượng bánh và bán sản phẩm với giá phải chăng nên khách hàng tìm đến cơ sở của anh ngày càng nhiều. 
     Thời gian đầu mỗi ngày anh chị chỉ làm chừng 2-3 tạ bánh nhưng đến nay đã tăng lên đến 5-7 tạ bánh thành phẩm/ngày, những ngày tết thì làm trên cả tấn bánh. Sản phẩm bánh ướt của anh chị làm ra được tiêu thụ ổn định với khoảng 30 khách hàng thường xuyên là những người bán dạo và các quán ăn, nhà hàng. So với 8 cơ sở sản xuất bánh ướt tại địa phương thì cơ sở của anh là cơ sở luôn đông khách nhất nhờ chất lượng bánh ngon, dai, trong, mỏng và giá cả phải chăng. Sau một thời gian làm ăn, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi. 
     Anh Nam chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ là làm nghề bánh ướt để tạo thêm thu nhập nhằm giảm bớt khó khăn chứ cũng không ngờ được như hôm nay. Nhờ nghề truyền thống của quê hương mà thật sự vợ chồng tôi không những vượt qua khó khăn mà còn vươn lên khá giả”. 
     Sau khi xây dựng được nhà, vợ chồng anh đã quyết định mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm nhiều loại máy móc để mở rộng sản xuất. Bây giờ cơ sở của anh đã có đầy đủ các loại máy như máy xay bột li tâm, dàn máy tráng bánh hiện đại, nồi hơi… nên việc sản xuất ngày càng ổn định, năng suất và chất lượng không ngừng tăng lên. Tất cả 4 đứa con đều học hành chăm chỉ, giỏi giang càng khiến vợ chồng anh hạnh phúc và có động lực để làm việc hăng say hơn. 
     Dù công việc khá vất vả, mỗi ngày đều làm việc liên tục từ 10 giờ trưa đến 8-9 giờ tối nhưng với anh chị có được công việc và thu nhập ổn định như vậy đã là niềm mơ ước bấy lâu. Do việc ngày càng nhiều nên anh chị thuê thêm 2 người làm việc thường xuyên với thu nhập ổn định. Để tận dụng nguồn phụ phẩm, anh chị vừa đầu tư xây dựng dãy chuồng để chuẩn bị thả nuôi lợn nhằm nâng cao thu nhập. Hiện tại sau khi trừ mọi chi phí, vợ chồng anh Nam có khoản thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Đối với vùng quê thuần nông như Hải Ba vốn còn nhiều khó khăn, các ngành nghề chưa phát triển nhiều thì sự vươn lên của vợ chồng anh Nam là rất đáng quý, nhất là họ đã biết phát huy nghề truyền thống để nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu chính đáng. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HIẾU GIANG

Nguồn tin: Báo Quảng Tri