Triệu Sơn phát triển nghề bún

Anh Nguyễn Hữu Vãn, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) dẫn chúng tôi đến thăm mô hình làm bún của gia đình anh Nguyễn Đăng Dũng ở thôn Linh Chiểu.
Sản xuất bún tại thôn Linh Chiểu, Triệu Sơn, Triệu Phong
      Sau khi xuất ngũ trở về địa phương. Sẵn có nghề của bố mẹ truyền lại, anh Dũng quyết định theo nghề làm bún. Những ngày đầu mới lập nghiệp gia đình anh làm bún bằng thủ công nên không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Năm 2005, sau khi tìm hiểu về công nghệ làm bún qua sách báo, qua tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, anh đã đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất bún. Nhờ vậy công việc của vợ chồng anh đỡ vất vả hơn, những mẻ bún làm ra rất trong và dẻo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi ngày gia đình anh sản xuất trên 1 tấn bún. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng thức ăn sẵn có trong quá trình chế biến bún như nước vo gạo, anh đã đầu tư chuồng trại để nuôi lợn, mỗi lứa khoảng 30 con lợn thịt và lợn nái, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng. Từ thu nhập chăn nuôi và nghề làm bún, anh đã làm được ngôi nhà khang trang, có tích lũy và nuôi dạy các con học giỏi, chăm ngoan. 
     Anh Nguyễn Đăng Dũng cho biết: “Linh Chiểu là làng nghề làm bún truyền thống, đến nay, chúng tôi mở rộng sản xuất bằng máy móc, ngày làm cả tấn bún, giải quyết việc làm cho 5 lao động, để duy trì nghề, gia đình mong các cấp tạo nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất”. 
     Không riêng gì gia đình anh Dũng ở thôn Linh Chiểu, hiện nay ở thôn Thượng Trạch nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, trang thiết bị để phát triển nghề làm bún. Đây là làng nghề truyền thống đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Thượng Trạch là hộ gia đình đã làm nghề bún hơn 20 năm nay, mỗi ngày sản xuất 1,2 tấn, giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương. 
     Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết, ngày trước muốn làm được sợi bún khâu đầu tiên phải cho gạo vào xay bằng cối đá cho thành bột sau đó nấu chín vừa phải rồi giã nhuyễn, sáng mai tầm 3 – 4 giờ sáng dậy vắt bột lên nước sôi, cho vào khuôn để sản phẩm cuối cùng là sợi bún rồi đem ra các phiên chợ quê bán. Hiện nay, trên địa bàn xã Triệu Sơn có 135 hộ làm nghề sản xuất bún, tập trung ở các thôn Linh Chiểu và Thượng Trạch. Trước kia, nghề làm bún nhọc nhằn lắm. Mọi công đoạn từ xay bột, vắt bột, đến khâu chế biến ra sản phẩm… đều làm thủ công nên người làm bún lúc nào cũng tất bật, chân tay không ngơi nghỉ. Hiện nay, các hộ làm bún trong xã đã đầu tư hệ thống máy móc, cơ giới hóa các công đoạn làm bún nên năng suất, chất lượng sản phẩm đều được nâng cao, bình quân mỗi ngày các hộ trong toàn xã sản xuất khoảng 13 tấn bún, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương với thu nhập từ 100 – 200 nghìn đồng/người/ngày. 
     Rất nhiều hộ trong làng làm giàu từ nghề bún như hộ ông Trần Văn Bình, Trần Công Khái… có nguồn thu trên 50 triệu đồng/ năm. Anh Nguyễn Hữu Vãn, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết: “Nghề bún có thu nhập cao cho người dân, tuy nhiên bên cạnh đó vấn đề môi trường ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh, vì vậy xã Triệu Sơn vừa quy hoạch 2 cụm làng nghề là Thượng Trạch và Linh Chiểu, theo đó điểm làng nghề Thượng Trạch huyện đã thông qua báo cáo kinh tế kỹ thuật để triển khai đầu tư xây dựng, theo hướng vừa phát triển kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: MINH KHA - CẢNH THU

Nguồn tin: Báo Quảng Tri