Sản xuất dầu tràm, nghề mới ở Tân Minh

Thôn Tân Minh, xã Gio Thành nằm ở phía đông huyện Gio Linh (Quảng Trị). Nơi đây được thiên nhiên ban cho rất nhiều cây tràm đất và cây chổi rành. Những loại cây này đã góp phần nâng cao thu nhập cho những người dân ở Tân Minh mỗi khi vào mùa giáp hạt. Đặc biệt gần đây, bà con trong thôn đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để sản xuất dầu tràm, tạo thêm một nghề mới ở địa phương.
Anh Hà bên sản phẩm dầu tràm của mình
     Niềm vui từ nghề mới 
     Bấy lâu nay, mỗi khi nhắc đến “làng chổi rành” nhiều người liền nghĩ ngay đến Tân Minh. Toàn thôn có 94 hộ nhưng hơn 2/3 số hộ làm nghề chổi rành. Chị Phạm Thị Thanh, cán bộ phụ nữ thôn cho biết: “Hầu hết các chị em phụ nữ trong thôn đều làm nghề chổi rành. Cây chổi rành mọc khắp nơi trong các gò đồi cát ở địa phương. Loại cây này sinh trưởng rất nhanh, chị em khai thác quanh năm nhưng vẫn không hết được. Gần đây, từ nguồn nguyên liệu này, nghề sản xuất dầu tràm khá phát triển ở thôn. Toàn thôn có hơn 15 lò nấu dầu tràm, giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ”. Ngoài cây chổi rành, cây tràm đất cũng mọc kín các đồi cát ở Tân Minh. Điều đáng quan tâm là thân cây chổi rành dùng đan làm chổi, còn lá của nó và lá cây tràm đất được bà con Tân Minh tận dụng làm nguyên liệu để sản xuất dầu tràm. 
     Cách đây 2 năm, trong một lần đi bán lá chổi rành cho các cơ sở sản xuất dầu tràm ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế), anh Phan Văn Tỵ tìm hiểu được cách làm giàu của những người dân ở đây bằng nghề sản xuất dầu tràm. Đây là loại dầu vốn được xem là “thần dược” của người nghèo bởi những tác dụng có ích của nó đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và phụ nữ sau khi sinh xong. 
     Sau một thời gian tìm tòi học hỏi, anh đã mạnh dạn đem nghề mới này về quê. Ban đầu anh đầu tư một lò nấu dầu tràm với kinh phí 2 triệu đồng để nấu thử, sau đó đưa dầu vào các cơ sở sản xuất dầu tràm Phú Lộc để họ đánh giá chất lượng. Dầu tràm của anh được các cơ sở ở đây đánh giá cao và đặt hàng. Thấy thuận lợi về nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, anh tiếp tục mở rộng lò nấu và truyền nghề lại cho bà con trong thôn. 
Anh Tỵ chia sẻ: “Nấu dầu tràm là nghề không khó, lại phù hợp với người dân nơi đây. Tôi muốn tìm hướng làm ăn mới cho bà con, mong sao họ thoát được nghèo nhờ biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương và thời gian nhàn rỗi của gia đình”. 
     Được sự giúp đỡcủa anh Tỵ, bà con trong thôn kéo đến nhà anh học cách sản xuất dầu tràm. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều lò dầu tràm đã xuất hiện. Anh Nguyễn Xuân Hà, một trong những người được anh Tỵ truyền nghề nấu dầu tràm chia sẻ: “Để nấu một lò dầu tràm cần khoảng 1,5 tạ lá tràm và lá chổi rành. Trong đó, lá tràm khoảng 2/3, cộng thêm 35 lít nước được đổ ngập 1/3 nồi nấu, sau khi đun lửa cháy đều 5-6 giờ đồng hồ sẽ cho ra 1 lít dầu tràm nguyên chất. Dầu cùng nước được đun sôi bốc hơi chảy xuống ống dẫn, tràn qua một hệ thống can nhựa, dầu nhẹ nổi lên trên được cho vào chai. Bình quân 1 ngày, lò của gia đình tôi nấu 2-3 nồi, tiêu thụ khoảng 5 tạ lá tràm, lá chổi. 1 lít dầu tràm xuất bán với giá 300 nghìn đồng, mỗi ngày trung bình nấu được 3 lít, trừ chi phí, chúng tôi lãi 300- 400 nghìn đồng/ngày”. 
     Cứ vào mỗi sáng sớm, các lò dầu tràm trong thôn lại đỏ lửa. Người nấu dầu, người lên đồi hái lá tràm đất, lá chổi rành. Không khí bận rộn của người dân Tân Minh cứ như mỗi mùa lúa về. Từ khi nghề sản xuất dầu tràm xuất hiện đã góp phần tạo thêm việc làm cho bà con ở thôn. Những học sinh cũng có điều kiện phụ giúp bố mẹ vào các ngày nghỉ học. Mỗi mùa hè về, các em rủ nhau lên đồi hái lá tràm đất, lá chổi rành về bán cho các lò dầu để kiếm tiền mua sắm áo quần, sách vở cho năm học mới. Sau khi khai thác cây tràm đất và cây chổi rành, bà con Tân Minh có thể bán cho các lò nấu dầu, riêng thân cây chổi rành thì phơi khô bó thành chổi bán cho thương lái hoặc bán cho các chợ phụ cận. Mặc dù khá vất vả, nhưng bình quân mỗi lao động ở thôn cũng kiếm được 50-60 nghìn đồng/ngày để trang trải sinh hoạt trong gia đình. 
     Cần thị trường tiêu thụ ổn định 
     Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nếu được quan tâm, đầu tư mở rộng thì có thể giúp người dân Tân Minh phát triển thành một làng nghề sản xuất dầu tràm bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, hiện sản xuất dầu tràm ở Tân Minh chỉ là nghề mới, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không đảm bảo. Hầu hết sản phẩm của các lò dầu tràm nơi đây đều phải đưa vào Phú Lộc bán cho các cơ sở sản xuất. Mỗi tháng 1 lần, anh Nguyễn Quang Anh trực tiếp thu gom dầu từ các lò trong thôn rồi thuê một chuyến xe vào Phú Lộc bán lại. Do không chủ động được thị trường nên giá cả bấp bênh, có lúc còn bị ép giá. Vì thế, bà con Tân Minh rất mong có thị trường tiêu thụ sản phẩm dầu tràm ổn định. 
     Anh Nguyễn Xuân Hà là người đầu tiên đưa sản phẩm dầu tràm đến giới thiệu ở các tiệm thuốc Tây, Đông Y trong tỉnh. Sau khi kiểm nghiệm chất lượng nhiều tiệm thuốc đã nhận mua sản phẩm dầu tràm của anh. Nhờ đó, anh đã đầu tư làm nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm của mình với cái tên “Dầu tràm Xuân Hà”. Hiện nay, “Dầu tràm Xuân Hà” đã đến được với bà con trong toàn huyện cũng như các vùng lân cận. Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, nhiều kha‍́ch tìm về tận thôn để mua dầu tràm về dùng hoặc làm quà biếu. 
     Ông Nguyễn Quang Tý, Trưởng thôn Tân Minh cho biết: “Nghề sản xuất dầu tràm đã trở thành nghề mới, góp phần giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở thôn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, giá cả không ổn định nên bà con chưa dám đầu tư mở rộng. Nếu có đầu ra đảm bảo thì thôn sẽ đề xuất với chính quyền xã, huyện đầu tư lập hợp tác xã, tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề sản xuất dầu tràm”. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: MINH BỐN

Nguồn tin: Báo Quảng Tri