Làng nghề truyền thống Nước mắm Gia Đẳng

Làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong vốn có nghề truyền thống làm nước mắm trên 300 năm gắn với nghề đánh bắt thủy hải sản. Sản phẩm Nước mắm Gia Đẳng với màu sắc, mùi vị thơn ngon rất được người tiêu dùng ưa chuộng, là một đặc sản có tiếng từ lâu đời và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa làng Gia Đẳng.
Đồng chí Trần Thanh Hiền - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT trao Bằng công nhận Làng nghề truyền thống cho BĐH Làng nghề nước mắm Gia Đẳng
Bước đầu khi hình thành làng nghề, bà con tranh thủ lúc biển động để chế biến nước mắm, đem trao đổi mua bán cho người dân quanh vùng nhằm tăng thêm thu nhập. Đến nay, nhu cầu sử dụng nước mắm vào các bữa ăn ngày càng nhiều, nhờ vậy mà việc sản xuất nước mắm ngày càng được mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng và nét văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Việc mua bán trao đổi cũng thuận tiện hơn, mạng lưới tư thương đã cung cấp đến tận nhà hoặc đưa đi nhập tại các cửa hàng, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm.

Hiện nay làng có 3 cơ sở sản xuất quy mô lớn được cấp giấy phép kinh doanh, có nhãn mác đó là Ý Mừng, Long Hải và Hoa Phụng; một tổ hợp tác và 184 hộ chế biến. Nghề làm nước mắm đã tạo việc làm ổn định cho trên 200 người dân. Bình quân hàng năm các cơ sở và hộ chế biến đã thu mua, chế biến từ 400 – 500 tấn cá tại địa phương (vụ mùa từ tháng 4 đến tháng 8 Âm lịch), thu mua từ từ 100 – 120 tấn chợp nhập từ Thuận An (Huế) về chế biến. Qua hai năm 2013 và 2014, tổng sản lượng chế biến của các cơ sở và các hộ kinh doanh ước đạt trên 1,3 triệu lít nước mắm, tổng doanh thu đạt gần 24 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 6,5 tỷ đồng.  

Để tạo điểu kiện cho các cơ sở và bà con làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề; tạo điều kiện cho các cơ sở và hộ chế biến tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, các nguồn hỗ trợ khác để đầu tư xây dựng bể lọc, hệ thống chiết rút, xử lý nước thải bảo vệ môi trường; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chế biến theo quy trình cải tiến nước mắm cao đạm, đa dạng hóa sản phẩm; đặc biệt đã vận động và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thương hiệu, nhãn mác… từ đó sản lượng chế biến tăng từ 40 – 50%, giá trị sản phẩm được nâng lên gấp 2 lần so với năm 2010, thị trường tiêu thụ được mở rộng, hiệu quả kinh tế đã được nâng lên đáng kể.

Với những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được trong thời gian qua, làng nghề Nước mắm Gia Đẳng đã đạt được các tiêu chí và vinh dự được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Việc được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống là sự khởi đầu mới trong lịch sử phát triển của làng nghề. Trong thời gian tới, làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống có những bước phát triển mới, mang tính ổn định lâu dài. Trong đó tập trung vào việc cải tiến hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng; chủ động nguồn nguyên liệu, lao động tại chỗ; thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái làng nghề; tiến hành lập các thủ tục đăng ký thương hiệu tập thể “Nước mắm Gia Đẳng”, đưa sản phẩm của làng nghề nước mắm Gia Đẳng chiếm lĩnh thị trường  trong và ngoài tỉnh, đạt được những thành công trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội; mãi mãi gìn giữ, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Thanh Bình - Phòng CB-TM Chi cục PTNT tỉnh