Khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống ở huyện Hải Lăng

Đồng chí PHẠM ĐÌNH LỢI, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng

Đồng chí PHẠM ĐÌNH LỢI, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng

Đồng chí PHẠM ĐÌNH LỢI, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) trả lời phỏng vấn
-Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết kết quả qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hải Lăng (giai đoạn 2011-2015)? 
 
Sau khi ban hành Đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống huyện Hải Lăng giai đoạn 2011- 2015, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện bằng việc đưa nội dung Đề án vào lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện; chỉ đạo các xã có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đưa nội dung triển khai Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã. Đồng thời ban hành Kế hoạch xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án thử nghiệm, chuyên đề khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới huyện Hải Lăng giai đoạn 2013- 2015 nhằm cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học làm cơ sở huy động lồng ghép các nguồn vốn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao.
 
Tính đến năm 2015, toàn huyện có 1.015 hộ cá thể, cơ sở sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp (cơ sở) tham gia hoạt động sản xuất tại 11 làng có 9 nghề chủ yếu, tăng 136 cơ sở, chiếm 59,7% trong tổng số cơ sở, hộ cá thể và doanh nghiệp trong lĩnh vực TTCN ngành nghề; thu hút được 1.720 lao động. Đề án đã huy động, lồng ghép được các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển cho các nghề và làng nghề như làng nghề truyền thống nón lá (Văn Trị, Văn Quỹ, Trà Lộc), làng nghề truyền thống rượu Kim Long, làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy, làng nghề truyền thống bánh ướt Phương Lang, làng nghề chổi đót Văn Phong, nghề truyền thống Mứt gừng Mỹ Chánh, nghề sản xuất giá đỗ Lam Thủy, nghề thêu ren xuất khẩu, nghề dệt xăm lưới Thâm Khê. Từ đó hầu hết các làng nghề đều tăng về số lượng cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt và ngày càng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua 5 năm mở được 38 lớp cho 1.300 lao động với kinh phí hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng, bao gồm các nghề sản xuất chổi đót, sản xuất nón lá, nghề thêu ren, kỹ thuật chế biến nước mắm, sản xuất men rượu. Trong đó đào tạo nghề mới và nâng cao cho lao động các làng nghề là 19 lớp với 597 lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 490 triệu đồng. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng để tiến hành quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, nhãn mác hàng hóa và chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng được thị trường ổn định và phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN. 

 Phát triển làng nghề chổi đót ở Văn Phong - Ảnh: TT


- Bên cạnh những kết quả đạt được thì có những khó khăn, tồn tại gì trong thực hiện Đề án, thưa đồng chí? 

- Có thể nói bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn. Việc phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống chưa có quy hoạch, chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm; các cơ sở quy mô sản xuất đa số là nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, kỹ thuật công nghệ phần lớn còn lạc hậu, đa số sử dụng công cụ thiết bị thủ công truyền thống; trình độ lao động còn thấp nên sản xuất thiếu ổn định, nhiều nghề truyền thống sản xuất cầm chừng, có nguy cơ mai một và mất đi. 

Nhìn chung, các hàng hóa sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu, chưa có nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, chưa đa dạng hóa, một số sản phẩm chưa đăng ký được thương hiệu, bao bì nhãn mác chưa được quan tâm đúng mức...đây là một trong những lý do dẫn đến giá trị sản xuất thấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Mặt khác, cơ sở sản xuất tại các làng nghề chủ yếu là hộ cá thể, hầu hết các chủ cơ sở làm theo kinh nghiệm tự đúc kết trong quá trình sản xuất của đơn vị mình nên trình độ nghiệp vụ, quản lý điều hành hoạt động còn hạn chế. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt chưa có hệ thống thoát nước chung, việc thoát nước mang tính cục bộ theo hộ gia đình, do vậy nước thải của các làng nghề thải ra vườn hoặc xuống sông, ao hồ... Bên cạnh đó, mặt bằng sản xuất hầu như xen kẽ trong khu dân cư nên việc xử lý môi trường còn nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trên địa bàn trong tỉnh và một ít các tỉnh lân cận, phần lớn các hộ gia đình thực hiện hình thức ký gửi, rao bán riêng lẻ, chưa có nhiều sản phẩm tiêu thụ theo đơn đặt hàng lớn. Hầu hết các làng nghề chưa tự tạo lập được cơ sở sản xuất tập trung do thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy, chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề như mứt gừng, nón lá, nước mắm, rượu, giá đỗ. Các cơ sở ngành nghề thiếu vốn nên hạn chế trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, tích trữ nguyên liệu cho quá trình sản xuất, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao và mở rộng thị trường… 

-Đồng chí có thể cho biết trong giai đoạn 2016-2020, huyện có những giải pháp gì đối với việc phát triển các làng nghề? 

-Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làng nghề truyền thống đã thành công, đồng thời duy trì những mô hình thành công nhưng hạn chế về khả năng nhân rộng như các làng nghề truyền thống nón lá, nghề làm giá đỗ Lam Thủy. Đặc biệt sẽ tập trung phát triển các nghề mới như nghề sản xuất cao chè vằng, tinh dầu tràm nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Tiếp tục củng cố thị trường hiện có, phát triển mở rộng thị trường khác trong và ngoài tỉnh, khu vực; tăng cường các hoạt động tìm kiếm thị trường nguyên liệu đối với một số làng nghề cần nguyên liệu sản xuất bên ngoài. Quy hoạch và đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho sản xuất đối với các loại nguyên liệu sản xuất tại địa bàn, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu tập thể, cá nhân bằng việc đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cho những doanh nghiệp vào sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Mặt khác, huyện sẽ ưu tiên bố trí các khoản vay để phát triển các làng nghề từ nguồn vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các HTX, Tổ hợp tác, chủ cơ sở, hộ gia đình tại các làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc nguồn vốn tín dụng có bù lãi suất của Nhà nước, góp phần hỗ trợ cho các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển, mở rộng, ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời xây dựng và ban hành một số chính sách khuyến khích về khôi phục và phát triển làng nghề, đặc biệt là chính sách đối với các làng nghề sau khi được UBND tỉnh công nhận. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục cố gắng huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, quản lý sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng các ngành nghề truyền thống tại địa phương. 

- Xin cảm ơn đồng chí! 

Tác giả bài viết: THANH TRÚC (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Quảng Tri