Hải Lăng: Giá trị sản xuất nghề làm nón hàng năm đạt trên 6,2 tỷ đồng

Nghề làm nón ra đời và gắn bó từ lâu đời ở một số làng quê của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) như Trà Lộc (xã Hải Xuân), Văn Quỹ, Văn Trị (xã Hải Tân) và Hưng Nhơn (xã Hải Hòa). Nghề này đã được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ và mang lại nguồn thu nhập khá cho những phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương.
Nhiều phụ nữ vùng nông thôn Hải Lăng có thu nhập ổn định từ nghề làm nón
     Trải qua quá trình phát triển lâu dài, nghề làm nón có nhiều thăng trầm nhưng đến nay những làng nghề này vẫn được giữ gìn và tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, theo hướng thị trường, chú trọng đến chất lượng và mẫu mã. 
     Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Hải Lăng có tổng số hộ làm nghề nón lá khoảng 487 hộ với 591 lao động; trong đó thôn Trà Lộc có 311 lao động, thôn Văn Quỹ 200 lao động, thôn Văn Trị 60 lao động, thôn Hưng Nhơn 20 lao động. Mức thu nhập bình quân của lao động làm nón hiện nay từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. 
     Trong khoảng 5 năm qua, tổng sản phẩm nón lá được làm ra bình quân hàng năm dao động trong khoảng 250.000 cái, đạt giá trị sản xuất khoảng 6,25 tỷ đồng. Vào tháng 8/2014, làng nghề truyền thống nón lá thôn Trà Lộc (xã Hải Xuân) và Văn Quỹ, Văn Trị (xã Hải Tân) được UBND tỉnh trao bằng công nhận là làng nghề truyền thống nón lá đạt tiêu chí. 
     Nghề làm nón lá ở Hải Lăng được làm thủ công hoàn toàn, nguồn nguyên liệu lá nón tự nhiên mọc ở rừng và nguyên liệu phụ là tre, mung có sẵn ở địa phương, nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề mà sản phẩm nón nơi đây làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. 

Tác giả bài viết: Tin, ảnh: HIẾU GIANG

Nguồn tin: Báo Quảng Tri