Cơ giới hóa, bước đột phá trong nông nghiệp ở Gio Linh

Muốn xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững thì yêu cầu trước tiên phải hiện đại hóa sản xuất. Nhưng muốn cơ giới hóa sản xuất, buộc phải quy hoạch lại ruộng đồng, tiến hành dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương và xây dựng giao thông nội đồng... Đồng chí Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, để làm được điều đó, huyện đã triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất để có điều kiện sản xuất tập trung phù hợp với cơ giới hoá nền sản xuất; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từ đó giúp địa phương chủ động trong sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, bền vững.
Máy móc hiện đại đã hỗ trợ tích cực cho sản xuất nông nghiệp
Địa phương điển hình trong việc cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng thành công vùng trọng điểm lúa đó là xã Gio Quang. Đây là địa phương dẫn đầu ở tỉnh Quảng Trị về áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Hiện nay 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của xã đã được cơ giới hóa. Sở dĩ phong trào cơ giới hóa nông nghiệp ở Gio Quang phát triển mạnh một phần là do đồng ruộng ở đây rộng lớn sau khi đã triển khai tốt việc quy hoạch, dồn điền đổi thửa và kiên cố hoá giao thông nội đồng, đường liên thôn, xóm, kênh mương thủy lợi. Cả xã hiện có 490 chiếc máy nông nghiệp các loại, trong đó có 80 chiếc máy Kubuta hiện đại, công suất lớn, 5 máy gặt rải hàng, 15 máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa, bơm nước, vận chuyển nông sản... Ngoài ra còn có thêm 8 máy xay xát có công suất lớn làm dịch vụ chế biến và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. 

Những năm trở lại đây vụ mùa ở Gio Quang được rút ngắn gần 20 ngày so với sản xuất thủ công trước đây vì bình quân 1 chiếc máy gặt khoảng 4 ha/ngày nên lịch thời vụ được rút ngắn. Điều quan trọng là giảm được chi phí sản xuất cho nông dân, bởi nếu tính giá công làm đất 1 sào ruộng bằng máy là 100 ngàn đồng, trong khi đó nếu làm thủ công phải mất đến 4 ngày công với giá khoảng 300 ngàn đồng. Sau khi rút ngắn được thời vụ và hạ chi phí sản xuất cho nông dân tại địa phương thì chủ nhân của những chiếc máy này triển khai làm dịch vụ cho các địa phương khác. 

Ở Gio Quang bây giờ hình thành được nhiều tổ dịch vụ làm đất và thu hoạch bằng máy với cách thức tổ chức khá bài bản, , đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của nông dân, qua đó mở rộng phạm vi, quy mô hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ bố trí lịch hợp lý nên công suất hoạt động của các máy được liên tục trong năm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân trong một vụ sản xuất sau khi đã trừ mọi chi phí mỗi chiếc máy cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng, đó là chưa kể phần gặt trong tỉnh cũng thu được 50-60 triệu đồng/ vụ, tổng cộng mỗi máy nông nghiệp mỗi năm thu về từ 400-500 triệu đồng. Đây là một nguồn thu rất lớn trong sản xuất nông nghiệp mà rất ít địa phương trên tỉnh Quảng Trị đạt được như ở Gio Quang. 

Theo tính toán thì việc mua sắm một chiếc máy nông nghiệp khoảng 600-800 triệu đồng nhưng chỉ sau 5, 6 vụ sản xuất là có thể thu hồi vốn. Rõ ràng, việc đẩy mạnh cơ giới trong sản xuất nông nghiệp ở Gio Quang có lợi rấ t nhiều mặt. Trước hết người thuê dịch vụ giảm được chi phí sản xuất (giảm được ngày công lao động), người làm dịch vụ thì tăng thêm thu nhập và điều quan trọng là đảm bảo được thời vụ, tạo điều kiện để áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Bên cạnh bước đột phá về cơ giới hóa sản xuất thì việc khai thác các công trình thuỷ lợi như Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn…đã mang lại hiệu quả cao; triển khai có hiệu quả các chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng, đầu tư nâng cấp, mở rộng năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi nên đã phục vụ đắc lực sản xuất nông nghiệp. Một khi đã chủ động nguồn nước, máy móc, phương tiện thì người dân mạnh dạn tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra những cánh đồng có quy mô tập trung, chuyên canh, có khối lượng hàng hóa lớn và chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng máy có công suất lớn 45 CV thay cho loại mày nhỏ có công suất 12-18 CV. Nhờ đó, Gio Linh đã xây dựng thành công vùng trọng điểm lúa chất lượng cao gồm các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio Quang, Gio Mai...với diện tích canh tác trên 2.700 ha. Bình quân hàng năm toàn huyện Gio Linh gieo cấy từ khoảng 4.500 ha, năng suất năm cao nhất (vụ đông xuân 2014-2015) đạt 58,1 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha so với kế hoạch. 

Việc cơ giới hóa kết hợp với dịch vụ sản xuất nông nghiệp là bước đột phá quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa, nông dân cần hơn nữa sự hỗ trợ từ phía nhà nước và bản thân người nông dân cần nhạy bén để quyết định đầu tư có hiệu quả. Một khi có sự kết hợp đầy đủ, hài hòa giữa khoa học và thực tiễn, giữa ý chí và hành động, đó là tiền đề quan trọng để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN

Nguồn tin: Báo Quảng Tri