Cần tăng cường quảng bá sản phẩm sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm đặc sản mang yếu tố địa danh ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã được ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Nhờ đó, nhiều sản phẩm mang tính truyền thống hay sản phẩm nghề mới được phát triển trong những năm gần đây nhưng có giá trị chất lượng cao đã được xây dựng thương hiệu như rau xà lách xoong Gio An, cam K4 Hải Phú, ném Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, đậu xanh Vĩnh Giang…
Thu hoạch rau xà lách xoong ở Gio An, Gio Linh
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho nông sản địa phương đã khẳng định được giá trị chất lượng sản phẩm của những sản phẩm đó. Tuy nhiên, sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, một số sản phẩm vẫn khó mở rộng được thị trường mà cũng chỉ bán ở những thị trường truyền thống với sản lượng không tăng. Do đó, cần tăng cường quảng bá với phạm vi càng rộng để người tiêu dùng trong cả nước biết đến thì sản phẩm sau khi được đăng ký thương hiệu mới có khả năng mở rộng được thị trường.

 

Trong điều kiện thị trường hàng hóa hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên thị trường thì người tiêu dùng cần nhiều thông tin về sản phẩm đạt chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu đã được đăng ký để yên tâm trong lựa chọn mua sắm thì xem ra người tiêu dùng vẫn còn thiếu thông tin. Mà nguyên nhân là do các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa có cách tiếp cận thị trường phù hợp các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tập thể.

 

Nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Gio An- Vì sức khỏe cộng đồng” đã được cấp hơn 1 năm qua nhưng vẫn không thể phát triển được thị trường mới mà vẫn loanh quanh với thị trường cũ trước đây là Huế và Quảng Trị với năng lực cung cấp mỗi ngày chưa tới 10.000 bó, trong khi tiềm năng đất đai và năng lực sản xuất của Gio An có thể lên tới vài chục ngàn bó/ ngày. Chủ sử dụng nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Gio An” là những nông dân quanh năm chỉ biết sản xuất trên những cánh đồng rau, không có kiến thức về thị trường thì làm sao biết cách tiếp thị sản phẩm.

 

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, huyện Gio Linh cho biết: “Sau khi đăng ký xong nhãn hiệu tập thể cho cây rau xà lách xoong, xã Gio An được chương trình Hạnh phúc đầu tư cho vay lãi suất thấp 1 tỷ đồng để mua 1 chiếc xe vận chuyển rau đi bán các nơi xa và chở cả những nông dân làm ra rau đi tìm thị trường tiêu thụ rau nhưng cách tiếp thị như thế này không mấy hiệu quả. Nông dân chỉ biết sản xuất rau đạt chất lượng tốt chứ không hề biết cách tiếp thị rau ở những thị trường mới. Xã rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm rau xà lách xoong Gio An đến với thị trường mới”.

 

Việc kết nối thị trường cung cầu giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ mà Sở Công thương thực hiện khá hiệu quả được đánh giá cao. Sở Công thương cần chú ý hơn tới các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể để phát triển được các thương hiệu của những đặc sản của quê hương này đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Mặc dù một số đặc sản như rau xà lách xoong có thời gian bảo quản ngắn nhưng với phương pháp canh tác sạch, đóng gói cẩn thận thì sản phẩm này cũng có thể tiêu thụ trong vòng 3- 4 ngày sau khi thu hoạch, có thể đưa đến với thị trường các tỉnh trong khu vực miền Trung tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị…

 

Cùng với việc kết nối thị trường, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sau đăng ký nhãn hiệu là vô cùng quan trọng. Bởi thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá thì không chỉ nhiều người tiêu dùng trước đây chưa hề sử dụng sản phẩm biết đến sản phẩm mà sử dụng mà còn có những người tiêu dùng còn nghi ngờ về sản phẩm sẽ được củng cố hơn niềm tin, yên tâm sử dụng. Về mặt tuyên truyền này, các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể của tỉnh còn hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí, mặt khác các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể không có nhiều kinh nghiệm để thực hiện.

 

Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã chú trọng công tác hỗ trợ về chiến lược xây dựng, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đặc sản ở địa phương nhằm phát triển thương hiệu sau khi được chứng nhận như triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường quảng bá, thương mại hóa sản phẩm các nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh”, các phương tiện thông tin tuyên truyền đại chúng trong tỉnh cũng đã tham gia tuyên truyền. Song các sản phẩm này cần có sự kết nối tuyên truyền ở mức độ rộng hơn mới có sức thu hút sự chú ý của người tiêu trên phạm vi cả nước.

 

Xây dựng thương hiệu đã khó, phát triển thương hiệu còn khó hơn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư và chiến lược lâu dài. Các ngành hữu quan trong tỉnh và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Cần trang bị kiến thức về cách tiếp cận thị trường cho những chủ sử dụng nhãn hiệu tập thể để họ có thể tự phát triển được thị trường khi có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp. Có như vậy những sản phẩm đặc sản Quảng Trị sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể vươn đến được với các thị trường trong và ngoài nước, không chỉ mang lại giá trị kinh tế góp phần xây dựng nên các giá trị văn hóa.

Tác giả bài viết: Trần Anh Minh

Nguồn tin: Báo Quảng Tri