Biến sỏi đá thành cơm

Chúng tôi đến cánh đồng đá Gio Hòa, huyện Gio Linh, qua hơn ba mươi cây số từ thành phố Đông Hà lên huyện Cam Lộ rồi rẽ ngang qua đường mòn Hồ Chí Minh thuộc miền tây Gio Linh, nơi ngút ngàn cao su, hồ tiêu, nghệ... và đá. Đá ở Gio Hòa có từ trước khi con người sinh ra, người dân miền tây Gio Linh biết biến đá thành cơm, cho cuộc sống ngày thêm khởi sắc.
Người khai thác đá ở xã Gio Hòa hăng say lao động
Cụ ông Lê Văn Hạnh (75 tuổi), người làng Hà Thanh, Gio Châu, Gio Linh là người nắm hết nguồn gốc của nghề đá. Trước lúc lên Gio Hòa, ông Hạnh đưa chúng tôi đi khắp làng để đếm những chiếc cối giã gạo được đục ra từ đá. Đó là sản phẩm đầu tiên của nghề đá ở đây. Cách đây chừng hơn hai trăm năm, cũng có thể hơn, khi làng Hà Thanh chỉ là một vùng đất cát nghèo nàn thì những hòn đá to đùng nằm giữa ruộng nương, nằm khắp trong làng đã khiến những người khai thiên lập địa chú ý. “Nghe kể, ngày xưa Hà Thanh đá chồng lên đá, thanh niên trong làng tập trung nhóm năm đến bảy người có sức vóc, dùng sức mạnh và ý chí của mình để làm ra cối đá, làm ra những dụng cụ bằng đá khác như rìu đá, nồi đá, chum đá, hũ đá...”, ông Hạnh trầm ngâm.

 

Đá là tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Gio Hòa và môt số địa phương lân cận như Gio An, Linh Hải. Xứ sở này khắp thôn xóm ở đâu cũng có đá. Đá nằm ngay cửa, đá ở trong vườn, đá chất thành phên dậu. Giữa đám gừng, đám nghệ, giữa nương hồ tiêu ngút ngàn xanh mướt có nhiều khối đá nằm xen vào. Đó vừa là của để dành ở vùng đất miền tây Gio Linh vừa là tấm lá chắn giữ cho cây cối xanh tươi. Theo các bậc cao niên, ở đâu có đá đằn lên thì đất đai ở đó được giữ ẩm tốt. Một lẽ khác, đá giữ cho đất khỏi bị rửa trôi. Ông Hạnh chia sẻ thêm với chúng tôi: “Ngó trong nương trong vườn đá lỗ chỗ như rứa nhưng đó là tiền cả đó. Ngày trước vùng này đá ngỗn ngang làm ngày làm đêm không xuể, chừ lượm mãi cũng hết, người dân muốn có nguyên vật liệu để làm phải thuê xe múc từ dưới lòng đất. Miền tây Gio Linh cứ múc cần cẩu xuống sâu lại đẩy lên những hòn đá tròn, đây là loại đá tốt nhất để làm nên vật liệu xây tường rào, xây đền đài lăng tẩm. ngót ngét mấy trăm năm, nghề đá ngày càng hưng thịnh”.

 

Nghề đá ở miền tây Gio Linh ngày càng hưng thịnh, khi quy mô của nó ngày càng được mở rộng hơn. Từ bàn tay và khối óc của con người thì việc khai thác đá thành phẩm không mấy khó khăn. Ông Hạnh cho chúng tôi hay: “Ngày trước khai thác đá phải cậy vào sức vóc cường tráng của thanh niên, ngày nay nghề đá càng hưng thịnh và kiếm được nhiều tiền nhờ có máy móc hiện đại”. Cái máy móc hiện đại mà chúng tôi được biết là mũi khoan để thực hiện động tác “mồi” đá. Một mũi khoan được cắm vào chừng 2-3 cm cho đá có lỗ rồi sau đó đường “ve” được chỉa thẳng vào, cây búa từ sức người thả xuống và hòn đá có to lớn bằng mấy cũng được bổ đôi. Sau đó những khối đá có kích thước 10x25 cm được làm thủ công hoàn toàn. Dụng cụ cắt đá cũng từng được đưa vào thử nghiệm một thời gian thì hoàn toàn bị loại bỏ vì đường cắt phẳng lỳ khi dùng xây dựng vữa xi măng bám không chắc nên không được ưa chuộng. Và đến giờ thì người khai thác đá ở Gio Hòa hoàn toàn không dùng phương pháp này. Anh Lê Nam Định cho chúng tôi biết như thế. Không cứ cái gì áp dụng kỹ thuật hiện đại cũng dễ ăn, với nghề chẻ đá nó có điều đặc biệt như thế.

 

Hơn mười năm làm nghề đá, những giọt mồ hôi nhỏ ra trên trán anh Định là những giọt mồ hôi của người yêu nghề, hăng say lao động. Ngày nắng cũng như mưa, dưới tấm bạt anh Định cần cù lao động. Đôi bàn tay rắn rỏi của người đàn ông ngoài 40 tuổi đời đã lật trở từng tảng đá để làm ra những viên đá chở đi khắp nơi. Người đàn ông đã từng làm ra hơn 45 ngàn viên đá trong hơn 10 năm lao động có dáng vẻ hiền từ, chậm rãi nhẩm tính: “Làm đá vội nỏ xong mô, người chẻ giỏi cũng khoảng 15 viên/ngày, tháng làm được khoảng 20-25 ngày, giá đá dao động từ 7.000-10.000đồng/viên, thu nhập thường 5-6 triệu đồng/tháng, thấp nhất khoảng 3,5 triệu đồng/tháng nên cũng sống được. Nghề chẻ đá là nghề của đàn ông. Đá làm ra không đủ cung cấp cho các tỉnh lân cận như Thừa Thiên- Huế và Quảng Bình”.

 

Miền tây huyện Gio Linh có 3 xã làm nghề chẻ đá: Gio Hòa, Gio An và Linh Hải. Trong đó xã Gio Hòa với hàng trăm hộ gia đình làm nghề chẻ đá. Nhưng cội nguồn của nghề đá là làng Hà Thanh thuộc xã Gio Châu. Ông Lê Văn Hạnh tâm sự: “Trước vùng này làng Hà Thanh làm nghề đá đầu tiên, sau đó lan dần lên các làng Đồng Tâm, Trí Hòa... Nghề làm ra tiền thì có người theo. Tôi thấy vui vì nghề đá ngày càng hưng thịnh, mặc dù nghề này ở làng “tổ nghề” Hà Thanh không còn nhưng mỗi lần nhắc đến nghề chẻ đá người ta đều nhắc đến làng Hà Thanh”. Cái lẽ uống nước nhớ nguồn đó là mạch nguồn xuyên suốt đối với người dân miền tây Gio Linh. Cứ mỗi năm tết đến xuân về, khắp trong làng ngoài xã tiếng hò reo vang lên khi có người chiến thắng trong hội thi chẻ đá.

 

Ông Dương Bá Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Quang, nơi cung cấp cho thị trường hơn 100 ngàn viên đá mỗi năm hồ hởi kể với chúng tôi: “Cứ đến tết lúc làm lễ nhớ ơn tổ nghề xong là hội thi chẻ đá. Hoạt động này vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn vừa duy trì giá trị bản sắc văn hóa của người dân miền tây Gio Linh. Công ty của tôi lúc cao điểm có 60 công nhân, bình thường chừng 30 công nhân, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng cũng ổn định cho cuộc sống gia đình”. Ông Đăng còn cho chúng tôi biết thêm, nghề đá ở đây đủ nuôi sống gia đình những người làm nghề, nhiều gia đình có nguồn thu phụ từ hồ tiêu, gừng, nghệ... có của ăn của để. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn.

 

Xuôi theo đường 74 trở về, chúng tôi vẫn nhớ đến khắc khoải âm thanh của đá, nhớ những giọt mồ hôi giữa ngày đông, nhớ những khóm nghệ chen lên từ đá xanh mướt trong những khu vườn tiêu đang mùa no quả. Và âm thanh chẻ đá vang lên rạo rực như sự sống khởi nguồn từ lao động.

Tác giả bài viết: Tiến Minh

Nguồn tin: Báo Quảng Tri