Tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu

Xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột của nền kinh tế Quảng Trị, tái cơ cấu nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu; để chuẩn bị ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp, xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khảo sát, nghiên cứu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại Quảng Trị. Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về nội dung trên.
THÁO GỠ RÀO CẢN ĐẤT ĐAI
- Thưa đồng chí! Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp có kết quả tốt hơn nữa thì đâu là “nút thắt” đang cản trở quá trình này?

 

- Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định tiếp tục tập trung tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp với thời gian chưa đầy ba năm và đã đạt được những kết quả bước đầu. Trên địa bàn đã hình thành được một số mô hình như trồng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn, trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao, luôn xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị cần tập trung lãnh đạo. Tuy nhiên, tái cơ cấu một ngành kinh tế vốn có nhiều khó khăn, lực cản phát triển như nông nghiệp thì một thời gian ngắn như vậy không thể nào làm được nhiều việc.

 

Đất nước chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và nông nghiệp của Quảng Trị cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề Quảng Trị cần làm lúc này là phát triển nền nông nghiệp bền vững và nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Không thể nào để hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ do các hộ nông dân quản lý mà phát triển thành công. Cần phải tái cơ cấu nông nghiệp một cách mạnh mẽ, thực chất nhất. Muốn vậy, trước hết, phải tháo gỡ rào cản về đất đai. Không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị.

 

Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo các bộ, ban, ngành, các tỉnh tập hợp những nội dung cụ thể để tập trung tháo gỡ “nút thắt” này. Chính phủ sẽ sửa đổi những nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sửa đổi những quy định thuộc thẩm quyền, địa phương cũng vậy. Mục đích cuối cùng là tạo ra việc tích tụ đất đai trên quy mô lớn, phù hợp với quy mô sản xuất của từng ngành hàng, của đối tượng sản xuất. Trước mắt cần thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, tạo cánh đồng lớn trước khi thực hiện chính sách hạn điền mà Nhà nước sẽ bổ sung, sửa đổi. Tái cơ cấu nông nghiệp là gắn liền với việc tổ chức lại hộ sản xuất theo quy mô hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp, hình thành những vùng nông nghiệp tập trung. Mỗi HTX phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể theo tư duy bao cấp. Từ đó, HTX góp phần phát triển nền nông nghiệp chung của tỉnh và tăng thu nhập cho nông dân. Không để người nông dân đơn độc trong quá trình hội nhập này. Cũng không có con đường nào khác phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao để nền nông nghiệp chúng ta có thể cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành.

 

CUNG CẤP GIỐNG, CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

 

-Thưa đồng chí! Trong chuyến công tác vừa qua tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực nào?

 

-Với những yêu cầu cấp bách của thực tiễn như phân tích trên, vừa rồi đoàn công tác của Tỉnh ủy đã đến khảo sát, nghiên cứu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP. Hồ Chí Minh. Khu này có các trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc như Trung tâm nghiên cứu và phát triển NNCNC. Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Trung tâm nghiên cứu, đề xuất, tạo mô hình, cung cấp dịch vụ, giống, tư vấn cho việc phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Ngoài ra còn dạy nghề, tổ chức đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và sản xuất nông nghiệp.

 

Làm việc với đoàn, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển NNCNC TP. Hồ Chí Minh cho biết ông đã 3 lần đến Quảng Trị nghiên cứu tiềm năng đất đai, khí hậu và nhận thấy Quảng Trị có thể phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhất là tại địa bàn huyện Hướng Hóa. Một số sản phẩm như cây dược liệu, khoai lang Nhật, chanh dây, dưa lưới, phong lan có thể trồng theo công nghệ cao tại Quảng Trị, thu hoạch chuyển ra tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

 

Tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung tâm hỗ trợ , hợp tác với tỉnh trong các lĩnh vực: Cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như hồ tiêu, cao su, cà phê, lúa chất lượng cao, rau; hỗ trợ phân tích, kiểm nghiệm mẫu các bệnh phẩm phát sinh trên cây trồng (như cây hồ tiêu), từ đó giúp tỉnh xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, chữa trị kịp thời. Trường Trung học Nông nghiệp-PTNT Quảng Trị và Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân có cơ sở vật chất , trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung tâm khảo sát, tư vấn giúp Quảng Trị triển khai thực hiện một số chức năng mà Trung tâm đang thực hiện có hiệu quả như sản xuất giống, ươm tạo doanh nghiệm tại trường này. Nhờ Trung tâm giới thiệu các nhà đầu tư nông nghiệp đến đầu tư tại Quảng Trị để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy  làm trưởng đoàn trao đổi về các mô hình nông nghiệp với lãnh đạo tỉnh Long An -Ảnh: TL

 

Để có cơ sở hợp tác lâu dài, đoàn đề nghị Trung tâm ký kết chương trình hợp tác với UBND tỉnh Quảng Trị, triển khai tại Quảng Trị một số cơ sở thực nghiệm vệ tinh của Trung tâm. Tiến sĩ Từ Minh Thiện thống nhất với các ý kiến đề xuất của tỉnh Quảng Trị và hứa sẽ cử đoàn công tác ra nghiên cứu, làm việc tại Quảng Trị. Trước mắt Trung tâm có chương trình hợp tác đào tạo 150 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản, Quảng Trị có thể cử người tham gia để tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

 

-Như vậy, sau chuyến công tác này, tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai thực hiện mô hình NNCNC như thế nào ở các địa phương, thưa đồng chí?

 

-Về chủ trương, chính sách của địa phương thì Tỉnh ủy, HĐND sẽ ra Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp, xác định bộ sản phẩm chủ lực gắn với phát triển NNCNC giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển NNCNC. Trong đó, ngành Nông nghiệp phải tham mưu cho tỉnh cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết theo lộ trình cụ thể. Phải xây dựng được các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm NNCNC, tránh bất cập, chậm đi vào thực tế. Ngoài ra, các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa của phát triển NNCNC. Triển khai tốt NNCNC thì mới thật sự nâng cao đời sống cho đại đa số nhân dân, nông dân mới có điều kiện làm giàu trên đồng đất của mình, bà con nông dân mới trực tiếp được hưởng lợi.

 

Sau khi Tỉnh ủy, HĐND ra Nghị quyết, UBND tỉnh có đề án thì nhiệm vụ cấp bách của Sở Nông nghiệp&PTNT là thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phân tích bản đồ thổ nhưỡng trên toàn tỉnh, đánh giá được sự thích nghi của từng loại cây trồng, vật nuôi thời gian qua gắn với biến đổi khí hậu để quy hoạch sát, phù hợp, hiệu quả hơn. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT ủng hộ phát triển NNCNC thì chúng ta cần tranh thủ tốt điều kiện thuận lợi này để phát triển. Về cơ sở thực tiễn thì phải dựa trên lợi thế và tiềm năng nông nghiệp của Quảng Trị. Từ tổng kết các mô hình, ngành Nông nghiệp đang đề xuất nhóm sản phẩm chủ lực gồm 5 cây (lúa, rau màu, hồ tiêu, cao su, cà phê) và 1 con (là bò thịt) để tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch). Giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thị xã, thành phố phải có 2 mô hình sản xuất NNCNC trên sản phẩm chủ lực của tỉnh.

 

Để làm được công việc này, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ bàn về mô hình Bí thư cấp ủy (tỉnh, huyện, xã) trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với làm việc tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh, đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với tỉnh Long An và khảo sát mô hình sản xuất chuối sạch khép kín trên vùng đất phèn để xuất khẩu sang thị trường Nhật, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nga và xây dựng trang trại nuôi bò vỗ béo, nhập khẩu bò cái Brahman từ Úc để cải tạo đàn bò địa phương. Những việc làm này rất phù hợp với điều kiện của Quảng Trị.

 

Sắp tới, tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, kêu gọi doanh nghiệp cải tạo đàn giống bò thịt, thực hiện Brahman hóa đàn bò thịt các địa phương trong tỉnh. Thực tiễn cho thấy các sản phẩm của NNCNC, nông nghiệp hữu cơ có địa chỉ, thương hiệu ở các địa phương như Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ… đều được tiêu thụ tốt tại các thị trường trong và ngoài nước, nhiều loại sản phẩm cung không đủ cầu.

 

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO NGƯỜI DÂN


-Thưa đồng chí! Như vậy Quảng Trị đang quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này?

- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt, cần thiết quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng thích nghi với khí hậu từng vùng miền, lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất để phù hợp, giảm thiểu rủi ro tối thiểu do khí hậu gây ra mà người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Do vậy tỉnh Quảng Trị sẽ làm mọi cách phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 

Chúng ta biết, giá trị thu nhập bình quân trong nông nghiệp truyền thống toàn tỉnh Quảng Trị chưa đến 100 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nếu làm NNCNC, riêng ngành trồng rau qua các mô hình thực nghiệm có thể đạt 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Trồng hoa công nghệ cao, các mô hình ở các địa phương khác đã đạt tới 3 tỉ đồng/ha/năm. Hiện tại, nông nghiệp chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là năng suất và sản lượng của các nông sản chủ lực của Quảng Trị đã tới hạn. Có nhiều mặt hàng nông sản xếp vào nhóm thuộc tốp đầu của thế giới như hồ tiêu, cao su. Nhưng những năm trở lại đây năng suất đang chậm dần hoặc chững lại. Thứ hai là yêu cầu cấp bách về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, sản xuất theo phong trào, phá vỡ quy hoạch, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì không thể nào có chất lượng cao được. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng và của thế giới ngày càng khắt khe hơn về chất lượng. Nếu cứ sản xuất như cũ, nông sản của chúng ta khó mà bán với giá cao. Chỉ còn cách áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì mới có thể vượt qua khó khăn trên, từng bước mang lại cho người nông dân có cuộc sống ấm no hơn.

 

-Phát triển NNCNC cần đầu tư khá nhiều vốn, vậy một tỉnh đang khó khăn như Quảng Trị thì cần làm như thế nào cho phù hợp, thưa đồng chí ?

 

-Không nên hiểu một cách máy móc về NNCNC là phải xây dựng hệ thống nhà kính đắt tiền, hệ thống tưới nhỏ giọt hay kiểm soát các điều kiện trong môi trường kính mà tùy vào điều kiện của mỗi địa phương khác nhau để có chính sách và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp phù hợp. Tôi được biết tại Úc, nơi có quỹ đất canh tác rộng lớn, người ta ưu tiên ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp trên những cánh đồng lớn. Công nghệ được áp dụng ở đây là cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc và thu hoạch, cũng như tự động hóa hệ thống tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Trong khi đó Israel có diện tích đất canh tác ít, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên họ lại tập trung vào hệ thống nhà kính, kiểm soát môi trường trong các nhà kính, cũng như tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Vì vậy, phải tùy vào các điều kiện tự nhiên, khí hậu và nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ trong nông nghiệp.

 

Không hẳn cứ mua thiết bị hiện đại, đắt tiền là có thể thành công. Thành công của nông nghiệp hữu cơ, NNCNC không chỉ dựa vào vốn, đất, cơ chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Ai là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp NNCNC? Đừng chạy theo dự án, mà phải đầu tư tốt hơn, bài bản hơn cho nguồn nhân lực. Nông dân Quảng Trị cần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Hội Nông dân các cấp phải là nơi hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm lúa hữu cơ, chăn nuôi sạch, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch thì chắc chắn sẽ thành công. Ngoài ra, cần tuyển chọn lao động có trình độ để gửi đi đào tạo về làm nguồn nhân lực phục vụ NNCNC, giúp cho nông dân có tác phong lao động công nghiệp. Biết rằng, vốn đầu tư để làm NNCNC là khá lớn, trong khi đó người dân còn nghèo, đa số là doanh nghiệp nhỏ, không đủ vốn để đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn. Vì vậy, cần nhấn mạnh kinh tế hộ, liên kết hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đến đây khi gói tín dụng 100.000 tỉ đồng mà Thủ tướng Chính phủ mới công bố phục vụ cho NNCNC, nếu được sớm tiếp cận nguồn vốn này thì doanh nghiệp của chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để đầu tư phát triển NNCNC.

 

-Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Tác giả bài viết: LÂM QUANG HUY (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Quảng Tri