Phát huy nội lực, tinh thần tự chủ để giảm nghèo bền vững

Có thể khẳng định rằng, thành tựu xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) trong những năm qua là rất quan trọng, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống con người mà còn khẳng định ý chí không ngừng vươn lên của một huyện miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo ở đây vẫn chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra và sự chênh lệch giàu nghèo giữa các hộ gia đình, giữa các vùng vẫn còn những khoảng cách lớn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.
Một góc thị trấn Krông Klang hôm nay - Ảnh: PV


    Cách đây 5 năm, ngày 27/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước, trong đó có huyện Đakrông. Mục tiêu đề ra là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh mẽ về đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc ít người, đảm bảo đến năm 2020 các huyện nghèo phát triển ngang bằng các huyện khác trong khu vực. 
Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ đã áp dụng những chính sách đặc biệt ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng. 
    Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của tỉnh và đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của khu vực. Giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống của người dân ở các huyện nghèo gấp 5-6 lần so với hiện nay. Giảm lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 50% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích lúa có thể trồng hai vụ, mở rộng diện tích tưới cho hoa màu, cây công nghiệp; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô đến các thôn, bản đã được quy hoạch; cung cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư; bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho người dân. 
Trên cơ sở Nghị quyết 30a của Chính phủ, căn cứ thực trạng tình hình, huyện Đakrông đã triển khai đề án phát triển kinh tế- xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với những định hướng phát triển và những chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn huyện giai đoạn 2009 – 2020 khoảng từ 22 -25%/năm, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ. Tăng thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng/năm (2010) lên 8,5 triệu đồng/ người/năm (2015) và phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 14 – 15 triệu đồng/năm.
    Đề án cũng tập trung vào các mục tiêu và nhóm giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người nghèo, tức là tạo ra cơ hội tốt để người nghèo có thể nắm bắt để tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đồng thời nghiên cứu để phân chia các khu vực có tính đặc thù khác nhau (về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, tỷ lệ hộ nghèo…) để áp dụng các giải pháp giảm nghèo phù hợp. 
    Và cuối cùng là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, nhằm thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội để giải quyết khó khăn trước mắt cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, hộ cận nghèo, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập ổn định cho người dân, chẳng hạn như thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng, giao đất để trồng rừng sản xuất. 
    Theo đó người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được hưởng tiền chăm sóc, bảo vệ rừng mỗi năm 200 ngàn đồng/ha, được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng sản xuất được giao trồng, được hỗ trợ giống cây, được trợ cấp lương thực hàng tháng 15 kg gạo/ khẩu trong thời gian chưa tự túc được lương thực…Bên cạnh đó, các hộ nghèo còn được hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất, vay vốn sản xuất. Các hộ nghèo ở các thôn, bản vùng biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực thì được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng. 
    Trọng tâm của chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ vẫn là hướng về người nghèo, vì người nghèo, phát huy nội lực và để người nghèo chủ động giải quyết những vấn đề cụ thể của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn lực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cần khơi dậy ý thức tự vươn lên của người nghèo, trên cơ sở những chính sách đặc biệt ưu đãi, để người nghèo tự quyết định vận mệnh của mình; cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ chứ không phải làm thay, lại càng không phải ban phát cho người nghèo theo cơ chế xin - cho. Tuy nhiên đây là vấn đề rất khó, ngoài tâm lý thụ động, e ngại, chưa làm quen với cơ chế quản lý mới, người dân vẫn mang tư tưởng thụ động trong viêc tiếp cận các chủ trương chính sách cũng như vận dụng các chính sách đó vào cuộc sống. Để thay đổi cách nghĩ cách làm phù hợp với chủ trương xóa đói giảm nghèo theo tinh thần Nghi quyết 30a của Chính phủ, trước hết cần phải phát huy quyền tự chủ, khơi dậy ý chí tự lực không ngừng vươn lên của người dân. 
Nhưng để làm được điều đó trước hết các địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế thông tin công khai, minh bạch. Đây là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo sự chủ động tham gia của người dân vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Lâu nay, tại nhiều địa phương quy chế dân chủ vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, yêu cầu công khai minh bạch vẫn là một điều gì quá khó, do đó nhiều chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn chủ yếu từ trên ấn xuống theo kiểu ban phát mà ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn không biết thì hỏi người dân làm sao thực hiện chức năng giám sát. 
Với cơ chế quản lý không rõ ràng này, người dân đã bị tước đi rất nhiều quyền hạn của mình, trong đó có quyền được lắng nghe, được thảo luận và không thể thực hiện quyền kiểm tra giám sát, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy. Rất nhiều dẫn chứng để minh họa thực tế này, đó là hệ thống kênh mương được xây dựng thấp hơn đồng ruộng không thể nào “dẫn thủy nhập điền”, rồi ruộng khai hoang xong nhưng không có nước để sản xuất, trạm biến áp nằm ở vùng thấp trũng rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ, xây chợ tốn hàng trăm triệu đồng nhưng không có người vào buôn bán, đình chợ chỉ để trâu bò trú mưa... Đó là hậu quả của kiểu “tư duy dự án” và không “lấy dân làm gốc”, tai hại hơn, những cách làm áp đặt này không chỉ gây tốn kém mà còn làm giảm mất lòng tin của người dân về những chương trình mục tiêu đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. 
    Qua các cuộc kiểm tra thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện Đakrông, nhiều ý kiến băn khoăn về việc người dân trong các vùng thụ hưởng dự án chưa được thông tin đầy đủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, ngay cả những chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất rất thiết thực như làm nhà ở, hỗ trợ cây con giống, lương thực cho các xã vùng biên giới để trồng và giữ rừng mà người dân vẫn chưa nắm bắt được một cách rõ ràng. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chương trình vì ngay từ đầu người dân đã không được tham gia vào dự án một cách chủ động. Và khi chưa có thông tin đầy đủ, người dân sẽ không thể có sự hợp tác với chính quyền các cấp để thực hiện chương trình này. 
Vì lẽ đó, dù đã có nhiều nỗ lực và được sự hỗ trợ to lớn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quốc tế, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Đakrông vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, Đakrông vẫn còn trên 2.800 hộ nghèo, chiếm 36% tổng số hộ trong toàn huyện, trong số đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, ngoài ra số hộ giáp ranh nghèo vẫn còn gần 40% tổng số hộ trong toàn huyện. Năm 2013 này, dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 6% hộ nghèo (dự kiến 250 hộ), toàn huyện vẫn còn trên 30% hộ nghèo, như vậy mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh (13,2%) là khó khả thi. 
    Theo đồng chí Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo của Chính phủ là một cơ hội lớn để huyện bứt phá, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Đây cũng là động lực để địa phương xóa được đói, giảm được nghèo một cách nhanh chóng và bền vững. Thực trạng đói nghèo đang là nỗi nhức nhối của địa phương. Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư vào huyện là rất lớn, tuy nhiên đến nay Đakrông vẫn còn là huyện rất nghèo, ngoài những nguyên nhân đã nêu trên, tình trạng đói nghèo ở đây còn bị chi phối bởi một số nguyên nhân khác, đó là chính sách hỗ trợ đầu tư nhiều nhưng chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ nên đã hạn chế đến kết quả đầu tư. Trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực kém cùng với tập quán canh tác và sinh hoạt lạc hậu của đồng bào chậm được thay đổi, tính năng động, sáng tạo của người dân rất hạn chế. Nhiều chương trình dự án trên địa bàn cùng mục tiêu phát triển và giảm nghèo với nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng lại điều hành theo từng cơ chế riêng với các đầu mối khác nhau và chưa có cơ chế phối hợp, lồng ghép để thực hiện có hiệu quả... 
    Khắc phục tình trạng này và chú trọng phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững không còn là khẩu hiệu chung chung mà cần phải được thực thi bằng hành động cụ thể trong thời gian tới. 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Tri