Hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp

Ngày 28/7 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì. Thành phần tham dự gồm các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ KHĐT, Ngân hàng Nhà nước…; Các Hiệp hội ngành hàng, các đơn vị cung cấp máy móc thiết bị trong nông nghiệp, đại diện các nhà sản xuất máy công cụ, tổ hợp sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, đại diện người nông dân là các thành phần trực tiếp hưởng lợi từ QĐ này và các cơ quan báo chí truyền thông…
Quang cảnh hội nghị
Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đã đề ra mục tiêu: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với các nông sản chủ yếu, trước mắt là lương thực (lúa, ngô), cà phê, rau quả và thủy sản. Với điều kiện máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải có tỷ lệ 60% chế tạo trong nước đã không đáp ứng được với nhu cầu của sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Trước yêu cầu của sản xuất và kiến nghị của nhiều địa phương, ngày 14/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, thay thế các Quyết định 63 & 65 với phạm vi hỗ trợ rộng hơn và đặc biệt là không bị ràng buộc bởi điều kiện 60% giá trị sản xuất trong nước đối với máy móc phục vụ nông nghiệp.

Cho đến nay đã có 22 tỉnh có dư nợ cho vay, một số tỉnh, thành phố có dư nợ cho vay cao như: Kiên Giang: Tổng dư nợ (đến 11/2014) đạt 192,057 tỷ đồng (trong đó Quyết định 68: đạt 86,316 tỷ đồng/189 khách hàng, Quyết định 63&65: 105,823 tỷ đồng/34 khách hàng; Tiền Giang: Tổng dự nợ (đến tháng 5/2015) đạt 51.358 triệu đồng/36 khách hàng, được hỗ trợ lãi suất 1.382 triệu đồng; An Giang: Tổng số tiền cho vay Điều 1: 153,66 tỷ đồng /342 khách hàng; Điều 2: 585 triệu đồng/02 khách hàng...

Thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 48/NQ-CP, ngày 23/9/2009 của Chính phủ và các Quyết định số 63, số 65 và số 68 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đã bám sát mục tiêu đề ra (với lúa gạo: giảm mức tổn thất từ 11 – 13% hiện nay xuống 5 – 6% vào năm 2020; với ngô: giảm mức tổn thất từ 13 – 15% hiện nay xuống còn 8 – 9% vào năm 2020. Hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố aflatoxin, cải thiện giá bán thương phẩm khoảng 10%....)

Qua gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân cả nước.

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 48/NQ-CP, ngày 23/9/2009 của Chính phủ và các Quyết định số 63, số 65 và số 68 còn nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, Hạn chế trong chính sách, Mức độ cơ giới hóa còn thấp, Tổn thất sau thu hoạch đang còn là thách thức như: Tổn thất sau thu hoạch đối với lúa được thu hẹp, song với nhiều loại vẫn còn cao: rau quả; thủy sản; mía đường vẫn cạnh tranh thấp, giá thành cao, chất lượng kém, việc tiêu thụ khó khăn; Kinh phí hỗ trợ của địa phương cho công tác tuyền tuyền, hướng dẫn chính sách còn hạn chế; Chưa tạo được mối gắn kết giữa các doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Từ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP và quyết định số 68/2013/QĐ-TTg trong thời gian qua, để thực hiện trong thời gian tới đạt kết qủa tốt cần tập trung một số biện pháp sau:

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về nông nghiệp, nông thôn.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách theo chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% tổn thất đối với các loại nông sản, thủy sản mà Nghị quyết 48 đề ra cần có tác động mạnh hơn từ QĐ 68, (nếu không thì rất khó đạt mục tiêu đề ra), cần xem xét lãi suất đầu tư phát triển cho đầu tư dài hạn (3-4%/năm) để thực hiện các Dự án bảo quản (kho chứa lúa đồng bộ với máy sấy động hiện đại, gắn với các HTX; kho bảo quản lạnh rau quả, thủy sản; các dự án chế tạo máy móc nông nghiệp) và các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công - tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các dự án bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch. Thường xuyên khảo sát, điều tra, đánh giá mức độ tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Nguồn tin: www.chebien.gov.vn