Thực trạng và những giải pháp trọng tâm cho công tác đào tạo nghề nông nghiệp năm 2014

Đăng lúc: Thứ ba - 06/05/2014 09:44 - Người đăng bài viết: admin
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; từ ngày 12/12 đến ngày 24/12/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2013 tại các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp trên toàn tỉnh. Thành phần tham gia gồm đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Tiểu ban đào tạo nghề nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn, các Sở: Lao động- TBXH; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Chỉ đạo huyện, thị xã; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Lao động -TBXH huyện, thị xã.
Ảnh: Đoàn kiểm tra, giám sát Đề án 1956  làm việc với lãnh đạo huyện Gio Linh

Ảnh: Đoàn kiểm tra, giám sát Đề án 1956 làm việc với lãnh đạo huyện Gio Linh

     Nội dung kiểm tra, giám sát, đánh giá theo Quyết định số 1582/QĐ-LĐTBXH ngày 02/12/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Ban hành một số chỉ tiêu giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả kiểm tra, giám sát tại 13 cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy: Hệ thống Ban Chỉ đạo Đề án 1956 cấp huyện, các xã đã thành lập tổ chỉ đạo, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành để thực hiện Đề án. Các trung tâm dạy nghề cấp tỉnh đã phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp công tác dạy nghề, hình thành phòng, bộ phận dạy nghề. Hàng năm, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các phòng chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát; tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người dân để có chính sách phát triển, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các huyện, các cơ sở dạy nghề đã có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn  trong công tác xây dựng kế hoạch hàng năm, trong kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, chấp hành tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo tỉnh và Ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của Ban Chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự năng động, chậm kiện toàn khi có biến động cán bộ. Sự phối hợp giữa các phòng, ban chưa thực sự chặt chẽ, thiếu sự liên kết, hầu hết giao cho các trung tâm dạy nghề. Tổ Chỉ đạo cấp xã hoạt động không hiệu quả, nên không đánh giá được hiệu quả sau đào tạo nghề của lao động trên địa bàn xã mình quản lý, công tác kiểm tra, giám sát hàng năm có tổ chức nhưng không phản ánh được kết quả cụ thể.
     Hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề ở các huyện, xã và các trung tâm dạy nghề cấp tỉnh triển khai khá đồng bộ và hiệu quả. Các đơn vị và địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài tỉnh và địa phương để chuyển tải các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều đơn vị, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, tư vấn thông qua các hội nghị, hội thảo và các tổ chức đoàn thể. Một số đơn vị còn trực tiếp xây dựng nhiều chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền trên các trang điện tử, trang thông tin, thông qua sàn giao dịch việc làm, nên phần lớn người dân nông thôn đều nắm rõ chủ trương, chính sách của Đề án 1956, nhận thức của người lao động về học nghề nhất là lao động ở các vùng nông thôn đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh những mặt tích cực trên, công tác tuyên truyền vẫn còn rập khuôn, thiếu tính liên tục; đặc biệt công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau học nghề chưa được chú trọng tuyên truyền đúng mức.
      Công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, trong đó ưu tiên các xã thí điểm của tỉnh, huyện. Nhiều địa phương đã triển khai công tác dạy nghề gắn với việc phát triển các mô hình phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo định hướng của địa phương; điển hình như các mô hình trồng rau sạch, trồng ném, cao su, cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi trang trại, phát triển ngành nghề nông thôn. Người lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM; Việc sử dụng các loại sổ sách ghi chép và giáo trình dạy nghề, các cơ sở dạy nghề đều thực hiện mở các loại sổ sách ghi chép khá đầy đủ, rỏ ràng đảm bảo theo quy định...
     Chính vì vậy, kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp năm 2013 đã đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong năm, đã hoàn thành 84/84 lớp, 2.460 học viên với kinh phí 1.967,68 triệu đồng (đạt 98,38% kế hoạch), trong đó: Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện được 28/28 lớp, 811 học viên với kinh phí thực hiện 733,68 triệu đồng (đạt 99,67% kế hoạch). Các huyện, thị xã thực hiện được 56/56 lớp, 1.649 học viên với kinh phí thực hiện 1.234 triệu đồng ( đạt 100% kế hoạch). Ngoài nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh phân bổ từ chương trình, UBND các huyện đã chủ động phân bổ từ ngân sách của địa phương cho công tác đào tạo nghề như: huyện Đakrông (214,12 tr.đ), huyện Triệu Phong (30 tr.đ), huyện Cam Lộ (13,31 tr.đ). Các tổ chức đoàn thể cũng đã bố trí kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho các hội viên như: Trung ương Hội nông dân (216 tr.đ), Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh (283,6tr.đ), và từ các nguồn khác (77,13 tr.đ) nhờ đó đã đào tạo thêm được 858 lao động nông thôn ngoài nguồn ngân sách đã phân bổ. Hiệu quả công tác dạy nghề đã được các địa phương/cơ sở dạy nghề chú trọng. Theo số liệu báo cáo của các địa phương: Số lao động nông thôn sau khi học nghề nông nghiệp có trên 90% đã làm đúng với nghề được đào tạo, đã phát huy hiệu quả trên chính mảnh đất, thửa ruộng của họ, tự tạo việc làm góp phần nâng cao năng suất lao động, năng suất các loại cây trồng vật nuôi. Có 231 hộ/2446 hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo sau 01 năm học nghề, chiếm tỷ lệ 9,44% và 683 hộ/2446 hộ gia đình có tham gia học nghề trở thành hộ khá sau 01 năm học nghề, chiếm tỷ lệ 27,92%...
     Mặc dù vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho lao động nông nghiệp nói riêng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là: Việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề hiện tại chưa có sự thống nhất, còn nhiều đầu mối nên trong chỉ đạo, hướng dẫn còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Các quy trình thủ tục từ khâu lập kế hoạch, xây dựng hồ sơ, hợp đồng, các thủ tục thanh quyết toán của công tác đào tạo nghề còn phức tạp, nặng về thủ tục hành chính. Năng lực thực hiện của các cơ sở dạy nghề không đồng đều, thiếu hoặc không có giáo viên cơ hữu, giáo viên thính giảng hoặc giáo viên hợp đồng lại không có chứng chỉ dạy nghề nên rất thụ động, ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề. Nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay rất lớn, gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, nhưng kinh phí phân bổ của Chương trình và nguồn lực của tỉnh, huyện còn hạn chế, chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu hiện nay của người dân nông thôn. Công tác tuyển sinh triển khai trước khi giao vốn nên phần lớn các học viên không được đào tạo nghề đã đăng ký theo kế hoạch nên rất phiền hà cho cơ sở, cho chính người học và chính quyền địa phương. Công tác điều tra khảo sát, định hướng học nghề, đặc biệt công tác tư vấn nghề chưa thực sự chú trọng, thiếu sự tham gia chỉ đạo của các đơn vị chức năng quản lý chuyên ngành cấp huyện. Định mức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của tỉnh còn quá thấp so với thực tế hiện nay, lại mang tính bình quân giữa các vùng miền nên các cơ sở dạy nghề rất khó khăn trong việc thực hiện. Kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo cấp huyện còn quá ít, Tổ Chỉ đạo cấp xã không bố trí kinh phí quản lý nên đã hạn chế nhiều đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn...
     Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2014 và những năm tới, xin đề xuất, kiến nghị một số vấn đề trọng tâm sau:
          1. Cần tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.Chú trọng công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau học nghề để lao động nông thôn nhận thức được việc học nghề góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
          2. Cần có kế hoạch giao vốn sớm hoặc cho ứng trước nguồn vốn để cho các huyện, các cơ sở  dạy nghề chủ  động tuyển sinh các nghề phù hợp và chủ động trong việc lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn có hiệu quả. Đối với cấp huyện khi cấp kinh phí nên cấp trực tiếp cho cơ sở dạy nghề để giảm bớt công đoạn phải qua nhiều cơ quan đầu mối điều đó cũng kéo dài thêm thời gian ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ưu tiên phân bổ kinh phí cho lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm của tỉnh, huyện.
         3. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của người dân cần cải tiến công tác tuyển sinh học nghề, công tác tuyển sinh nên triển khai sau khi giao vốn thay vì trước khi giao vốn nhằm tránh lãng phí, giảm bớt khó khăn, phiền hà cho cơ sở và cho chính người học.
         4.  Cần bố trí thêm nguồn kinh phí quản lý về công tác dạy nghề cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, Tổ Chỉ đạo cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác dạy nghề ở cơ sở.
         5. Bổ sung, sửa đổi định mức nghề nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, bổ sung các nghề nông nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu, điều kiện các địa phương và phát triển các nghề mới có hiệu quả cao. Trong đó cần hỗ trợ thêm kinh phí cho tất cả các đối tượng học viên để tạo điều kiện cho họ yên tâm tham gia học tập đầy đủ.
         6. Cần xây dựng chương trình khung phù với từng nghề, đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành cũng như định mức kinh phí cho phù hợp với tình hình thực tế từng cây con, vật nuôi để cho hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đem lại kết quả cao.
        7. Ngoài nguồn vốn của Chương trình, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí thêm ngân sách của huyện, kkhuyến khích các tổ chức đoàn thể đầu tư dạy nghề cho hội viên nhằm đa dạng hóa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại mỗi địa phương.
         8. Ban Chỉ đạo các địa phương cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo cấp xã làm tốt nhiệm vụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo; theo dõi, cập nhật số liệu từ khâu lập kế hoạch, tuyển sinh, đánh giá kết quả đào tạo, hiệu quả học nghề và sau học nghề qua các năm đảm bảo yêu cầu.
 
Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Đức Dưỡng – Chi cục PTNT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 470
  • Tháng hiện tại: 40748
  • Tổng lượt truy cập: 3757249