Khó khăn trong đào tạo nghề ở Đakrông

Đăng lúc: Thứ năm - 18/09/2014 08:31 - Người đăng bài viết: admin
Cách đây 4 năm (năm 2010), để tạo sự chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2020. Tuy nhiên, đến nay vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn (chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô) trên địa bàn huyện Đakrông vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phục hồi nghề đan lát ở Đakrông

Phục hồi nghề đan lát ở Đakrông

     Với mục tiêu đặt ra của đề án là hàng năm đào tạo nghề cho 600 – 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn huyện với sự tham gia của Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện, các cơ sở dạy nghề hiện có. Những ngành nghề ưu tiên để tiến hành đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm dệt thổ cẩm; nề dân dụng; may công nghiệp; sửa chữa máy nông nghiệp; cơ khí, gò hàn; chăn nuôi thú y; trồng trọt và bảo vệ thực vật; nuôi cá nước ngọt; trồng và chăm sóc rừng. 
     Mục tiêu được đặt ra là như vậy nhưng tính riêng trong năm 2013, huyện Đakrông chỉ đào tạo nghề cho khoảng 310 lao động với các loại hình ngành nghề như kỹ thuật xây dựng; nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho lợn, bò; nghề làm chổi đót; kỹ thuật trồng rừng, trồng chuối, ném, rau an toàn; nghề vận hành máy xúc; kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi…Dự kiến trong năm 2014, huyện Đakrông sẽ đào tạo nghề cho khoảng 225 lao động nông thôn với các loại hình ngành nghề như đã nêu ở trên tại các xã Ba Lòng, Hướng Hiệp, Mò Ó, Đakrông, Tà Rụt, Ba Nang, Húc Nghì. 
     Ông Nguyễn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đakrông cho biết, trong những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện xem là giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng đến giảm nghèo bền vững cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều người dân trên địa bàn huyện chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề để cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình mình. Mặc dù trong thời gian qua, huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng lại gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động đã qua đào tạo. Lao động nông thôn, nhất là lao động đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô không “mặn mà” trong việc tham gia các lớp đào tạo nghề cũng bởi nguồn kinh phí hỗ trợ không đáp ứng đủ nhu cầu ăn, ở, đi lại cho họ khi tham gia các lớp đào tạo nghề tập trung. Khi được hỏi, nhiều lao động nông thôn cho rằng đi học nghề tập trung chỉ hỗ trợ vài chục nghìn đồng/ngày trong khi đó ở nhà phụ gia đình đi làm nương, làm rẫy thì có thể kiếm được nhiều hơn. Một nguyên nhân nữa, đó là chính quyền nhiều xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên đã không chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho địa phương mình và còn nhiều nguyên nhân khác. 
     Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, theo ông Nguyễn Văn Đương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện Đakrông, trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện việc chọn những ngành nghề gắn với địa bàn từng xã rồi mời những người dạy nghề, truyền nghề am hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán để họ giúp đồng bào nâng cao tay nghề. Chủ động nắm bắt thông tin thị trường để kết nối với các cơ sở sử dụng lao động nhằm cung ứng lực lượng lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề cho các cơ sở đó. Đối với lao động nông nghiệp, ưu tiên cho những người có đất sản xuất để khi đào tạo xong, họ có thể vận dụng nghề đã được học vào thực tế sản xuất. Xác định xem đất đồng bào được cấp trồng được cây gì, nuôi được con gì để đào tạo nghề cho phù hợp. Nếu đồng bào có nhu cầu đào tạo nghề gì thì ưu tiên cho đăng ký học nghề đó để nâng cao tay nghề. Riêng với Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện dù mới được xây dựng, đưa vào sử dụng nên vẫn còn thiếu thốn nhưng trong thời gian tới, đội ngũ giáo viên của Trung tâm cũng sẽ khắc phục khó khăn để về tận từng thôn, bản để dạy nghề cho đồng bào. Trung tâm cũng sẽ tiến hành điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo nghề cho phù hợp với trình độ dân trí của đồng bào dân tộc, trong đó sẽ ưu tiên đào tạo cho những người biết chữ, trình độ cao, để từ đó họ phổ biến, truyền dạy lại cho những người có nhu cầu. Chủ động phối hợp với các xã để tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào hiểu việc học nghề là để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... 
     Hy vọng với những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Đakrông sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng đến mục tiêu đào tạo nghề cho 600 – 1.000 lao động/ năm gắn với giải quyết việc làm cho những lao động đã qua đào tạo nghề. 
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: SỸ HOÀNG
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 1217
  • Tháng hiện tại: 41495
  • Tổng lượt truy cập: 3757996