Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ năm - 10/10/2013 09:43 - Người đăng bài viết: admin
Đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn liền với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đây là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người dân nông thôn.
Nuôi tôm thẻ chân trắng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn - Ảnh: THÀNH DŨNG

Nuôi tôm thẻ chân trắng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn - Ảnh: THÀNH DŨNG

       Qua 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án 1080/ĐA-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011- 2020, gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 17.018 người, trong đó dạy nghề nông nghiệp được 14.486 người (chiếm 85,12.%), dạy nghề phi nông nghiệp được 2.532 người (chiếm 14,82%); tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề trên 70%, góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 14,9% năm 2004 lên 27,3% năm 2012. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề đã được quan tâm đầu tư tại 3 trường trung cấp nghề, 10 trung tân dạy nghề và 8 cơ sở dạy nghề khác của các doanh nghiệp, sự nghiệp giáo dục, các trung tâm khuyến nông, khuyên lâm... 
       Năng lực đào tạo vàquy mô đào tạo nghề cũng có sự tiến bộ vượt bậc, chất lượng đào tạo nghề từng bước được cải thiện, ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo ngày càng đa dạng và phong phú; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề không ngừng củng cố, tăng cường, phần nào đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn hiện nay ở Quảng Trị vẫn còn thiếu tính định hướng, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sản suất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới... nên hiệu quả đào tạo nghề chưa cao. Ở nhiều nơi, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn mang tính hình thức, chưa coi trọng chất lượng đào tạo; công tác điều tra, khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề có nơi còn chưa sát thực, chưa phù hợp với yêu cầu nên nhiều lao động khi học xong nghề tuy có việc làm nhưng thiếu bền vững; mạng lưới dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình quản lý đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
       Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, ngày 6/9/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 76-CTHĐ/TU thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” với mục tiêu đến năm 2020, mỗi năm đào tạo từ 4.300-4.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33% vào năm 2015 và đạt khoảng 44% vào năm 2020; tăng dần tỷ lệ đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ đào tạo các nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 60% và đến năm 2020 đạt tỷ lệ trên 75% so với tổng số tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt ít nhất 70% trong giai đoạn 2013-2015 và đạt 80% trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời đã đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu sau:
       Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổquốc, đoàn thể và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, hội viên, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể như: Thông qua các văn bản chỉ đạo, các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các bài viết, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của Mặt trận, đoàn thể, các hội; lồng ghép vào các buổi hội thảo của các ngành, các cấp... Đặc biệt, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn; vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phổ biến các mô hình dạy nghề có hiệu quả để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
       Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy đảng, có sự phân công cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dạy nghề; tổ chức lồng ghép dạy nghề cho lao động nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội khác có liên quan; kiện toàn lại bộ máy Ban chỉ đạo các cấp, Tổ chỉ đạo 1956 cấp xã; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, phòng, ban, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện; tập trung ưu tiên bố trí đủ về số lượng biên chế và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; kiện toàn, sắp xếp, bố trí giáo viên dạy nghề cho các trường nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng dạy nghề; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
       Thứ ba, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn huy động xã hội hóa khác tập trung đầu tư cho các trường nghề, trung tâm dạy nghề. Tổ chức rà soát, xác định lại ngành nghề đào tạo tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề để đầu tư đồng bộ và hợp lý. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phải đi đôi với việc bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và xây dựng chương trình, giáo trình để đảm bảo đầu tư đến đâu có thể khai thác sử dụng đến đó. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đầu tư nghề trọng điểm và trường trọng điểm theo quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

       Thứ tư, tổ chức điều tra, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động nông thôn; xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn bao gồm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động trên địa bàn. Lấy xã làm cấp cơ sở để xây dựng kế hoạch và xác định ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đảm bảo tính phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập và phương pháp đào tạo nghề theo hướng phù hợp với đối tượng người học là lao động nông thôn, chú trọng kỹ năng thực hành; tiến hành thí điểm và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống có hiệu quả để tổ chức dạy nghề gắn với việc làm tại chổ.
       Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tại các doanh nghiệp tham gia thành lập các cơ sở dạy nghề và tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho người lao động nông thôn. Có cơ chế, chính sách huy động xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề bán chuyên nghiệp và kiêm chức ở địa phương, đồng thời huy động những người sản xuất giỏi, thợ lành nghề, nghệ nhân tích cực tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường xúc tiến các dự án đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, ưu tiên các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình học liệu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề.
       Với sự chỉ đạo tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trên cơ sở thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp trên là tiền đề để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 1518
  • Tháng hiện tại: 41796
  • Tổng lượt truy cập: 3758297