Hướng đi mới của Hợp tác xã Đoàn Kết

Đăng lúc: Thứ tư - 15/02/2017 08:43 - Người đăng bài viết: admin
Dù thành lập chưa lâu nhưng cách làm mà Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết (HTX Đoàn Kết) xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) là mô hình gợi mở hướng đi mới cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một trang trại nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Cam Lộ

Một trang trại nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Cam Lộ

Từ trung tâm xã Cam Nghĩa đi vào trục đường dẫn ra khu vực sản xuất tập trung của địa phương này hơn 2 km, chúng tôi đến một khu trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng khá quy mô. Cả khuôn viên gồm vườn, trang trại và khu nhà làm việc rộng hơn 1 ha được xây dựng khang trang, sạch sẽ và rộng rãi. Đó là cơ ngơi của HTX Đoàn Kết. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của HTX, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc HTX Đoàn Kết vừa kể về quá trình hình thành HTX, vừa theo dõi hoạt động của đàn lợn qua màn hình camera giám sát gắn ở bức tường đối diện. Theo ông Xuân, lý do đầu tiên để hình thành nên HTX Đoàn Kết xuất phát từ nhu cầu thực tế của những người có cùng sở thích chăn nuôi lợn ở xã Cam Nghĩa. 7 thành viên của HTX đều là những người có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn chục năm nay. Như ông Xuân cũng là người trên 15 năm nuôi lợn. Trang trại chăn nuôi của ông Xuân lúc nào cũng có 30 lợn nái, 200 lợn thịt. Tuy nhiên, những rủi ro, bấp bênh của mô hình nuôi lợn hộ gia đình đơn lẻ khiến ông Xuân cũng như những người chăn nuôi lợn ở đây luôn trăn trở là làm thế nào để sản phẩm chăn nuôi của mình luôn được người tiêu dùng lựa chọn, không bị thương lái ép giá.

Từ thực tế này, những người chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Cam Nghĩa tập hợp, liên kết nhau và HTX Đoàn Kết ra đời. Trước khi hình thành được HTX, ông Xuân và những người chăn nuôi lợn ở Cam Nghĩa đã đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Đồng Nai. Từ các mô hình thực tế, cùng với ý tưởng liên kết chăn nuôi quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGap, những người sáng lập ra HTX Đoàn Kết đã xây dựng đề án phát triển HTX thuyết phục được chính quyền địa phương, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng bắt tay thực hiện. Hiện HTX Đoàn Kết được xã Cam Nghĩa tạo điều kiện cấp hơn 1 ha đất sạch để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trang trại lợn giống tập trung đã được hình thành với quy mô giai đoạn 1 là 120 con lợn nái. HTX Đoàn Kết đã phối hợp Viện Chăn nuôi Việt Nam để được cung cấp thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đúng tiêu chuẩn. Dự kiến, 6-8 tháng nữa trại lợn giống này sẽ bắt đầu có lợn giống thuần chủng cung cấp nguồn lợn giống cho các thành viên HTX.

 

Song song với sự phát triển của trại lợn giống, HTX Đoàn Kết đang tích cực hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xây dựng thương hiệu chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và chuẩn bị mở rộng quy mô trại giống giai đoạn 2 lên 500 con lợn nái, đảm bảo cung ứng khoảng 80% lợn giống cho địa bàn vùng Cùa và một số xã trên địa bàn huyện Cam Lộ. Khi chủ động được nguồn lợn giống, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt và xây dựng lò mổ lợn khép kín, cung cấp lợn thịt sạch cho thị trường theo tiêu chuẩn VietGap. Để thực hiện theo quy trình này, các thành viên HTX đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phải đảm bảo được các tiêu chí theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: Không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán lợn mới được tiêm kháng sinh, chưa đủ thời gian cách ly ra thị trường…

 

Để đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi này cần mô hình khép kín hoàn toàn, đảm bảo được quản lý chặt chẽ các khâu từ con giống, nguồn thức ăn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, đảm bảo cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn. Thực tế cho thấy, chăn nuôi an toàn thời gian vật nuôi được xuất chuồng kéo dài hơn từ 10 - 15 ngày so với chăn nuôi thông thường nhưng chất lượng sản phẩm được đảm bảo, giá bán lại cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, ưu điểm của quy trình này là kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc theo sổ sách ghi chép để có biện pháp khắc phục. Với quy trình chăn nuôi ứng dụng khoa học tiên tiến, cách chăn nuôi mà HTX Đoàn Kết lựa chọn sẽ tạo ra được nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh…

 

Có thể nói, đây là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đi mới của một HTX nông nghiệp và ngành chăn nuôi tỉnh.

 


Tác giả bài viết: Bài, ảnh: LÂM THANH
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 733
  • Tháng hiện tại: 39812
  • Tổng lượt truy cập: 3756313