Triệu Long nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ năm - 15/12/2016 08:12 - Người đăng bài viết: admin
Triệu Long là địa phương thuộc vùng chiêm trũng, thuần nông của huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Toàn xã có 7.729 nhân khẩu, 1.661 hộ, sinh sống ở 18 thôn. Xã có diện tích đất 902 ha, trong đó gần 500 ha là đất canh tác, 286 ha đất trồng lúa. Những năm qua, trên cơ sở đề án của UBND huyện, nghị quyết của Đảng bộ xã, chính quyền địa phương đã triển khai tuyên truyền trong đảng viên, cán bộ cốt cán và nhân dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực để đầu tư phát triển sản xuất, mở mang kinh tế hộ, kinh tế gia trại, trang trại, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, tự giác góp công, của, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng… Những nỗ lực đó đã góp phần làm cho bộ mặt làng quê ngày càng thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Dòng nước từ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn tưới mát ruộng đồng đất lúa Triệu Phong - Ảnh : PV

Dòng nước từ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn tưới mát ruộng đồng đất lúa Triệu Phong - Ảnh : PV

     Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình nông dân sản xuất giỏi, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long cho biết: “Kết quả rõ nét nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương đó là đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Được sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương, nhiều hộ nông dân ở Triệu Long đã đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương và đã sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Điển hình như mô hình chăn nuôi- dịch vụ- ngành nghề của ông Đỗ Thiên Cửu ở thôn Bích Khê; các ông Đỗ Lập, Đỗ Khắc Long ở thôn An Mô, thu nhập bình quân hàng năm từ 350- 500 triệu đồng/hộ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”. Người dân trong xã cũng đã tích cực đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp thâm canh để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Các dịch vụ thương mại, ngành nghề truyền thống phát triển hơn trước. Nhờ vậy, bình quân thu nhập của người dân trong xã năm 2016 đã đạt 27,5 triệu đồng/người. Đến nay, 100% hộ dân ở Triệu Long được sử dụng điện an toàn; 4/4 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; xã có điểm phục vụ bưu chính-viễn thông, dịch vụ internet về đến tận từng thôn xóm. Hàng năm, trên 85% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các hoạt động an sinh xã hội được chăm lo, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Cả 18/18 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn văn hóa. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Năm 2014, địa phương đã đưa trạm y tế xã do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí 3 tỷ đồng vào hoạt động. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. 

     Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của xã Triệu Long vẫn còn những thách thức. Ông Lê Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khó khăn lớn nhất của xã đó là vấn đề giao thông. Tuyến giao thông quan trọng nhất là tuyến ĐH 39 dài 2 km và ĐT580 dài 6 km cùng các tuyến liên thôn, liên xã dài hàng chục cây số nhưng phần lớn mặt đường nhỏ hẹp và đang dần xuống cấp. Một số tuyến đường ngõ xóm chưa được bê tông hóa rất lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như phục vụ sản xuất, đời sống. Trong lúc đó, kinh phí để nâng cấp không có. Mỗi năm địa phương chỉ được cấp kinh phí đủ làm 1 km đường nên không biết đến bao giờ mới hoàn thành được tiêu chí này”. 

     Theo tìm hiểu của chúng tôi, về thủy lợi địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống kênh mương do xã quản lý chỉ mới có 44% được bê tông hóa. Phần lớn các tuyến mương bằng đất đã xuống cấp. Việc nạo vét khai thông dòng chảy ở các trục kênh chính còn hạn chế. Hiệu quả sử dụng so với năng lực thiết kế thấp, một số chỗ chưa hợp lý gây thất thoát nước trong quá trình vận hành hoặc gây ra tình trạng ngập úng ở những vùng sâu trũng. Bên cạnh đó, diện tích đất của địa phương vốn đã hạn hẹp, hàng năm lại còn mất thêm hàng chục héc ta do sạt lở bờ sông Thạch Hãn. Xã Triệu Long có 5 km đất bờ sông đang trong tình trạng sạt lở đã nhiều năm. Vào mùa mưa bão không chỉ có nguy cơ mất đất do sạt lở mà nhà cửa, mồ mả của nhân dân cũng có nguy cơ bị cuốn trôi theo dòng nước. Xã đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây kè chống sạt lở nhưng đến nay cũng chỉ mới xây được 1 km. 

     Một khó khăn rất lớn khác khiến lãnh đạo xã luôn trăn trở, đó là tiêu chí hộ nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở Triệu Long còn đến hơn 13%, trong lúc quy định đạt chuẩn nông thôn mới tỷ lệ hộ nghèo là 3%. Giảm được hộ nghèo là một bài toán chưa tìm ra lời giải. Bởi bên cạnh rất nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thì xã cũng có đến hơn 200 đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như người già neo đơn, ốm đau, bệnh tật, không có lao động. Vấn đề vệ sinh môi trường, xây dựng nhà văn hóa, chợ để phục vụ cuộc sống của nhân dân đối với Triệu Long cũng không hề đơn giản. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, thì theo người dân ở đây việc quy định mỗi thôn xây dựng một nhà văn hóa hay mỗi xã phải có một chợ là không phù hợp, gây lãng phí. Theo họ, xã có 18 thôn, có thể hai thôn xây một nhà văn hóa để sinh hoạt chung, không nhất thiết mỗi thôn một nhà văn hóa. Chợ cũng vậy. Theo tiêu chuẩn quy định chợ phải phục vụ cho 20 vạn dân trở lên và mỗi chợ cách nhau 3 km. Trên thực tế, cách Triệu Long 3 km có chợ Triệu Đại, chợ thị trấn Ái Tử, chợ Triệu Thành nên Triệu Long không cần xây dựng chợ quy mô lớn gây lãng phí. Chỉ nên xây một chợ nhỏ phục vụ việc trao đổi hàng hóa cho người dân. Vì thế mà xã còn nợ tiêu chí này. Riêng về vấn đề môi trường, hiện nay xã đã thành lập được 6 tổ thu gom rác, phấn đấu hết năm 2016 tất cả các thôn đều có tổ thu gom rác. Song để đạt tiêu chí này trong năm 2017 như kế hoạch là một điều vô cùng khó khăn. Hiện nay trên địa bàn xã chưa có bãi thu gom xử lý rác thải. Chuồng trại chăn nuôi chưa hợp vệ sinh, chưa có hố xử lý nước thải còn phổ biến. Địa phương cũng chưa có nghĩa trang, nghĩa địa xây dựng theo quy hoạch mà còn phân bố đều khắp 18 thôn trong xã với khoảng cách không xa so với khu dân cư. Vì thế vấn đề ô nhiễm môi trường chưa thể giải quyết dứt điểm trong một vài năm tới. Bên cạnh đó, do địa phương thuộc vùng trọng điểm của lũ lụt nhưng đến nay trường mầm non của xã vẫn quy mô cấp 4 nên không đảm bảo an toàn cho các cháu nếu có lũ lớn xảy ra. 

     Dẫu còn đó những khó khăn, thách thức nhưng xã Triệu Long đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đó sẽ là động lực để xã tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. 
Tác giả bài viết: MAI ANH
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 536
  • Tháng hiện tại: 28135
  • Tổng lượt truy cập: 3790891