Thực trạng xây dựng nông thôn mới năm 2013 và những giải pháp trọng tâm năm 2014

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/01/2014 08:20 - Người đăng bài viết: admin
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ban hành tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Trong năm 2013, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của UBND tỉnh và BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Ảnh: BCĐ tỉnh họp tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Ảnh: BCĐ tỉnh họp tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

        Đã kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chỉ đạo và điều hành cấp tỉnh, huyện, xã; Văn phòng điều phối tỉnh được kiện toàn và đã đi vào hoạt động có hiệu quả trong việc tham mưu cho BCĐ tỉnh thực hiện các nội dung của Chương trình. Công tác tuyên truyền, vận động đã thực sự đi vào chiều sâu, đa dạng và phong phú hơn, thu hút được sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng, tự giác tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bằng những việc thiết thực như đóng góp công sức thực hiện dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh sản xuất, chỉnh trang nông thôn, hiến kế, hiến đất, góp công để làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế... Ngoài việc tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hinh tỉnh, trang Báo Quảng Trị, Báo Nông nghiệp Việt Nam, xây dựng “Đặc san xây dựng NTM”, trang Website nông thôn mới Quảng Trị, in ấn các tờ rơi, sổ tay... đã chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt về xây dựng nông thôn mới tới các địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các địa phương, đơn vị còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, xây dựng các Panô, áp phích... Trong năm qua đã phát hành 17 số báo và 01 đặc san NTM, 38 chuyên mục, phóng sự trên Đài truyền hình tỉnh, phát hành 220 số Báo Nông Nghiệp Việt Nam cung cấp cho 117 xã, có hơn 300 lượt người/ngày truy cập vào Website nông thôn mới. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức 206 đợt  tuyên truyền cho 6.792 cán bộ các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, tổ chức 366 đợt tuyên truyền cho 20.175 cán bộ các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện và lồng ghép các nội dung tuyên truyền chương trình MTQG xây dựng NTM với 8.555 lượt người tham gia. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về xây dựng NTM đã được chú trọng cả về đối tượng tham gia lẫn nội dung truyền đạt, đã có sự phối hợp có hiệu quả với các khối Mặt trận và các đoàn thể để cùng tham gia đào tạo, tập huấn. Công tác xây dựng quy hoạch và đề án nông thôn mới đã có sự chỉ đạo quyết liệt nên đến nay cơ bản các xã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch chung đảm bảo chất lượng, thể hiện rõ định hướng không gian NTM của xã gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, hiện nay các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đề án nông thôn mới cho 31/117 xã còn lại đảm bảo tiến độ đề ra.
        Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới: Trong  năm qua, mặc dù nguồn lực đầu tư trực tiếp của Chương trình có hạn, nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) tự cân đối còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao và sự chỉ đạo có hiệu quả của UBND tỉnh, BCĐ các cấp và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể nên đã có sự đóng góp đáng kể cho phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo số liệu thống kê của các địa phương, tổng nguồn lực huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 là 5.590.128 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách TW hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng NTM 19.800 triệu đồng (vốn ĐTPT 11.040 triệu đồng, vốn SN 8.760 triệu đồng); Ngân sách của địa phương là 44.737 triệu đồng (trong đó ngân sách huyện, thị là 36.584 triệu đồng, ngân sách xã là 8.153 triệu đồng); Vốn lồng ghép vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới là 947.028 triệu đồng; Nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn trên địa bàn đạt 4.411.000 triệu đồng, tăng 288 tỷ đồng so với cuối năm 2012; Vốn huy động doanh nghiệp là 103.347 triệu đồng và vốn huy động từ nhân dân: 64.095 triệu đồng.
       Với những nguồn lực trên, trong 2013 đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp được: 134,4 km đường giao thông nông thôn, 32,4 km đường giao thông nội đồng, 19 cầu cống, 5 trạm bơm nước, 119 công trình nước sạch tập trung, 13 khu xử lý gom rác thải, 10 chợ nông thôn, nâng cấp 119 phòng học, 4 nhà văn hóa xã, 35 nhà văn hóa thôn, 1 khu thể thao xã, nâng cấp 14 trạm y tế; Ngành điện đã đầu tư xây dựng mới 17 km đường dây trung áp, 93,4 km đường dây hạ áp, sửa chữa 4,9 km đường dây trung áp, 136,7 km đường dây hạ áp, xây dựng mới và sửa chữa 33 trạm biến áp... Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng và đẩy mạnh thường xuyên. Trong năm 2013 đã đầu thêm 55 mô hình phát triển sản xuất (trồng trọt 15 mô hình, chăn nuôi 26 mô hình, thủy sản 1 mô hình và các lĩnh vực khác 13 mô hình). Các mặt hoạt động khác như giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường, xây dựng chính quyền, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp được chú trọng tăng cường và triển khai có hiệu quả. Với những kết quả trên đã làm thay đổi thực sự bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc thực hiện 19 tiêu chí XD NTM của các xã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là 30 xã chọn làm thí điểm, tính đến 31/12/2013: Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí có 4 xã, chiếm 3,4 % (năm 2012 không có xã nào đạt từ 15 tiêu chí trở lên); số xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 31/117 xã (chiếm 26,5%), tăng thêm 18 xã so với năm 2012; số xã đạt từ 5- 9 tiêu chí có 67/117 xã (chiếm 57,2%), tăng 6 xã so với năm 2012 và số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 15/117 xã (chiếm 12,8%), giảm 16 xã so với năm 2012.
        Tuy nhiên, trong năm qua việc thực hiện Chương trình XD NTM còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế. Đó là: Công tác tuyên truyền ở cơ sở, các hoạt động hưởng ứng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” chưa đồng đều, thường xuyên, liên tục mới chỉ tập trung ở các xã điểm; phát triển sản xuất tuy đã xuất hiện được khá nhiều mô hình, điển hình tốt nhưng còn mang tính chất nhỏ lẽ, năng lực sản xuất và chất lượng hàng hoá còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, số mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung có liên liên kết "4 nhà" trong phát triển sản xuất còn hạn chế; ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên việc phân bổ nguồn vốn cho chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới rất khó khăn, trong khi đó việc huy động nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, của nhân dân và cộng đồng vào xây dựng NTM chưa nhiều; công tác lồng ghép các chương trình, dự án cho xây dựng nông thôn mới còn lúng túng và chưa phát huy hiệu quả tối đa; ở một số địa phương việc xử lý rác thải, nước thải còn chưa được quan tâm; an ninh trật tự ở nông thôn ở nhiều nơi còn chưa tốt, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn; một số Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM chưa quyết liệt, chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các tiêu chí xây dựng thuộc ngành mình phụ trách, thiếu sâu sát nắm bắt kết quả thực hiện các tiêu chí ở cơ sở; công tác đỡ đầu, hỗ trợ xã xây dựng NTM đạt được chưa cao; cán bộ chuyên trách theo dõi nông thôn mới ở cấp huyện và ở các xã còn thiếu, chủ yếu được bố trí kiêm nhiệm; việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo của các một số sở, ngành và địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của BCĐ, chất lượng báo cáo thấp làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp nắm bắt tình hình thực hiện Chương trình chung của tỉnh...
         Năm 2014, phát huy những kết qủa đạt được trong những năm qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng, đề nghị tỉnh ta cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa với những giải pháp trọng tâm sau:
        1. Trước hết phải củng cố, kiện toàn hệ thống BCĐ các cấp, Văn phòng điều phối tỉnh, Tổ điều phối các huyện/thị xã, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển các thôn/bản; tăng cường công tác chỉ đạo, sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện chương trình nông thôn mới, nhất là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trên cơ sở nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo ở các cấp trong việc tham mưu BCĐ tỉnh thực hiện các nội dung của Chương trình liên quan đến lĩnh vực quản lý và phụ trách.
       2. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể ở mỗi địa phương; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức tuyên truyền, tập trung vào cơ chế, chính sách mới và các cách làm hay, sáng tạo, các kinh nghiệm, các mô hình sản xuất có hiệu quả, các điển hình tiêu biểu ở mọi lĩnh vực.
       3. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hành cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, trọng tâm là cán bộ xã, thôn/bản gắn cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
      4. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã và nhân dân); xây dựng cơ chế lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình, dự án khác trên địa bàn; tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX, vốn tín dụng và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thuỷ lợi, Y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường trên cơ sở đề án hỗ trợ xi măng cho xây dựng giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng; xây dựng các mô hình xản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chú trọng ưu tiên cho 30 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới.
       5. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng đến chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn; gắn công tác đào tạo nghề với các đề án tạo việc làm, đề án giảm nghèo nhằm nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, tập trung ưu tiên cho các xã điểm của tỉnh, huyện.
       6. Chỉ đạo các địa phương công khai, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng xã NTM theo đồ án đã được phê duyệt, thực hiện việc cắm mốc chỉ giới quy hoạch; Các huyện tập trung hoàn thành phê duyệt đề án nông thôn mới của 31 xã còn lại, đồng  thời chỉ đạo triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết như: vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thuỷ sản, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất lúa giống...
       7. Ban hành quy chế thi đua, khen thưởng, biểu dương, vinh danh những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Chương trình; tập huấn công tác điều hành, tổng hợp, báo cáo qua cổng thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh Quảng Trị.
Với những kết quả đã đạt được trong 3 năm qua, hy vọng trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; chỉ đạo tích cực, quyết liệt hơn nữa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp- nông thôn, thực hiện đạt chỉ tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, tạo đà phát triển vững chắc và bền vững cho giai đoạn tiếp theo của Chương trinh XD NTM trên địa tỉnh. 
Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Đức Dưỡng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 16
  • Hôm nay: 452
  • Tháng hiện tại: 32153
  • Tổng lượt truy cập: 3794909