Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ hai - 18/09/2017 09:42 - Người đăng bài viết: admin
Hơn 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong xây dựng NTM đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng cơ sở. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ, bộ mặt nông thôn địa phương đó mới có sự chuyển biến sâu sắc.
Tổ hợp tác trồng dưa hấu tại thôn Phú Thành, xã Mò Ó (Đakrông) đem lại thu nhập khá cao cho người dân

Tổ hợp tác trồng dưa hấu tại thôn Phú Thành, xã Mò Ó (Đakrông) đem lại thu nhập khá cao cho người dân

Phát huy vai trò của người đảng viên

 

Hơn 3 năm trước, thôn Vĩnh Lại, xã Triệu Phước (Triệu Phong) được biết đến là nơi sở hữu “3 nhất”: Đường giao thông nông thôn nhỏ nhất; tỷ lệ bê tông hóa trong giao thông, thủy lợi ít nhất; đời sống của người dân khó khăn nhất. Với 198 hộ, 831 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM dường như quá sức đối với người dân thôn Vĩnh Lại. Năm 2014, đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Lại, ông Lương Thi Cử xác định rõ trách nhiệm của một người đảng viên, từ đó quyết tâm cùng sát cánh với người dân để xây dựng NTM.

 

Bắt tay vào thực hiện, ban đầu ông vận động người dân trong thôn tích cực chỉnh trang vườn tược, phát quang và mở rộng đường làng ngõ xóm, chủ động chuyển đổi phương thức canh tác để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên cơ sở nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, ông tích cực vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường giao thông tại thôn Vĩnh Lại. Để mọi người tin tưởng thực hiện, ông Cử đã đi đầu trong mọi hoạt động. Ông họp dân, giao mỗi xóm phụ trách hoàn thành một đoạn đường. Riêng đoạn đường đi qua xóm mình, ông Cử tình nguyện góp công sức, một phần tiền của, rồi kêu gọi con em quê hương đi làm ăn xa ủng hộ, chủ động vận động họ hàng, những người hàng xóm chặt cây, hiến đất để làm đường bê tông.


Thấy ông tiên phong, gương mẫu đi đầu, các xóm khác cũng tích cực làm theo, từ đó phong trào hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền của cùng nhà nước làm đường giao thông dần trở thành một phong trào rầm rộ, thu hút đông đảo người dân thôn Vĩnh Lại tham gia. Từ những con đường nhỏ hẹp từ 1,5- 3m bằng đất khó khăn trong việc đi lại, sau khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, người dân thôn Vĩnh Lại đã đóng góp hơn 200 ngày công lao động, hiến khoảng 1.000 m2 đất vườn và tiền của để làm được 1.361 m đường bê tông với chiều rộng từ 4- 5m.

 

Những con đường bê tông thẳng tắp nối liền các xóm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa. Giao thông thuận lợi, người dân càng có điều kiện tập trung đầu tư làm ăn. Nhiều giống mới, cây con mới đã được đưa vào sản xuất, các ngành nghề dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân thôn Vĩnh Lại dần được cải thiện rõ nét. Nhờ thực hiện tốt công tác vận động quần chúng của chi bộ cơ sở, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ cấp ủy, thôn Vĩnh Lại hôm nay đã thực sự đổi thay, vững vàng cùng xã Triệu Phước về đích trong chương trình xây dựng NTM.

 

Trao đổi thêm với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Vũ Sỹ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho biết: “Để chương trình xây dựng NTM đi đến thành công phải kể đến sự tham gia đóng góp rất lớn của các chi bộ đảng ở cơ sở, trong đó nổi bật là việc phát huy vai trò của đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng NTM. Trong tất cả các phong trào, các đảng viên tại xã Triệu Phước đều tiên phong đi đầu, gương mẫu thực hiện, từ đó làm gương để quần chúng noi theo.

 

Thành công lớn nhất sau khi triển khai chương trình xây dựng NTM tại xã Triệu Phước chính là nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện tiêu chí này, địa phương đã chủ động triển khai chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, từ 15 thửa/hộ chuyển đổi thành 3 thửa/hộ. Xã cũng đã chú trọng chuyển đổi tất cả những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập, động viên người dân từng bước chuyển từ nuôi tôm sú bán thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.

 

Song song với phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ra các chỉ thị, nghị quyết, chính sách tác động, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt chú trọng từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi. Phát huy lợi thế trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bằng cách huy động các nguồn vốn khác nhau, địa phương đã xây dựng hoàn thiện chợ Chùa với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, từ đó tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động địa phương bằng nghề buôn bán dịch vụ.

 

Để hoàn thành tiêu chí môi trường, bên cạnh thành lập các tổ thu gom rác thải ngay tại khu dân cư, tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, địa phương đã trồng được trên 40 ha rừng ngập mặn để tạo “lá phổi xanh” cho quê hương, vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái...”.

 

Xứng đáng với vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

 

Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, bây giờ thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (Gio Linh) đã thực sự hồi sinh. Các tàu thuyền nhộn nhịp ra khơi, trên bờ, các dịch vụ hậu cần nghề cá đã hoạt động trở lại, một bộ phận lớn lao động địa phương đã có việc làm ổn định, làng biển trở lại nhộn nhịp và đầy sức sống. Có được những kết quả đó là nhờ thời gian qua Chi bộ thôn Xuân Tiến đã tăng cường và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, trở thành chỗ dựa vững chắc, làm động lực để người dân vươn lên khắc phục mọi khó khăn, chung tay xây dựng NTM.

 

Theo đó, chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Mỗi cán bộ, đảng viên trong thôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, hiểu rõ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong xây dựng NTM, nhất là trong công tác hiến đất làm đường giao thông, đóng góp ngày công, giải phóng mặt bằng... Chính những việc làm thiết thực, cụ thể của cán bộ, đảng viên đã tác động trực tiếp đến người dân, giúp họ nhận thức rõ xây dựng NTM là phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội mà người thụ hưởng là người dân.

 

Ông Lương Văn Xinh, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Tiến cho biết: “Thông qua tuyên truyền, vận động và sự gương mẫu đi đầu của hơn 10 đảng viên trong chi bộ hầu hết đường giao thông trên địa bàn thôn đã được bê tông hóa. Người dân đã tự nguyện góp công lao động, đóng trên 100 triệu đồng tiền mặt để những tuyến đường được hoàn thành, có những đoạn đường hẹp, người dân cũng tự nguyện phá bỏ tường rào, đập bỏ cổng kiên cố để đường được mở rộng thêm. Trong sản xuất, do đặc thù của thôn chủ yếu người dân tham gia sản xuất trên biển nên chi bộ đã vận động các ngư dân thành lập 1 tổ hợp tác liên kết sản xuất trên biển dành cho các tàu đánh bắt xa bờ với 10 chủ tàu tham gia. Từ khi tổ hợp tác được thành lập đã đem lại hiệu quả rõ nét, giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn và thực hiện tốt chức năng cứu hộ, cứu nạn trên biển, thu nhập của các tàu được nâng lên đáng kể”.

 

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của chi bộ cơ sở trong triển khai thực hiện xây dựng NTM nên ngay từ khi chương trình mới triển khai, Đảng ủy xã Gio Việt đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động về xây dựng NTM, đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Với sự tích cực vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, chương trình xây dựng NTM như một luồng gió mới thổi vào xã vùng biển Gio Việt.

 

Sau hơn 6 năm xây dựng NTM, nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa trên địa bàn đã được xây dựng như đường giao thông liên thôn, hệ thống điện, nhà văn hóa đạt chuẩn, hệ thống trường học, chợ, trạm y tế, các cụm dân cư được quan tâm chỉnh trang tạo môi trường sống khang trang, sạch đẹp. Khâu tổ chức sản xuất cũng được địa phương thực hiện khá tốt nhờ vậy đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của một xã vùng biển, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác được phát triển đúng hướng, đời sống người dân được nâng cao.

 

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 22,2 triệu đồng/người/năm. Các chi bộ đảng đã thực hiện đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nên thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo ở trên địa bàn từng thôn, đặc biệt là các chi bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, sâu sát quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM tại địa phương, sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra đầu năm 2016 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến tiến độ thực hiện các tiêu chí.

 

Trước tình hình đó, các chi bộ đảng ở cơ sở đã tăng cường chỉ đạo địa phương về mọi mặt để sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng chí Lê Ánh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Gio Việt cho biết: “Khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ cơ sở, các đảng viên vào cuộc, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc để ngư dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Trong quá trình triển khai đền bù thiệt hại sự cố môi trưởng biển, Đảng ủy đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ hơn về đối tượng, các mức đền bù, nhờ vậy người dân rất yên tâm và đồng thuận cao”.

 

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

 

Xã Mò Ó là địa phương duy nhất của huyện Đakrông được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM. Thời gian qua, với những cách làm khá đồng bộ, địa phương đã huy động được sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Chính sự thành công ban đầu của chương trình xây dựng NTM tại Mò Ó thêm một lần nữa minh chứng rằng, khi ý Đảng lòng Dân đã đồng thuận thì việc khó mấy cũng thành công. Nhắc đến những ngày đầu khi bắt tay xây dựng NTM, đồng chí Hồ Văn Do, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mò Ó không thể quên được những gian nan, vất vả.

 

Vẫn biết rằng phong trào xây dựng NTM nhằm khơi dậy nguồn lực của người dân, do người dân làm chủ thể, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng và hỗ trợ một phần, song với đặc thù của một xã vùng cao có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc huy động sức dân đóng góp xây dựng NTM là không dễ. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tâm lý thụ động, trông chờ ỷ lại vào nhà nước vẫn tồn tại trong một bộ phận dân cư vì thế để làm thay đổi nhận thực của bà con đã khó, chưa nói đến việc huy động sức dân đóng góp để xây dựng NTM.

 

Đồng chí Hồ Văn Do nhớ lại: “Ngày đó, người dân Mò Ó từ bản trên đến bản dưới chẳng ai mặn mà gì với chương trình NTM. Trong nếp nghĩ của đồng bào, tất cả giống lúa, cây trồng đến con trâu, con bò rồi chuyện con cái học hành của con em đều đã có nhà nước lo. Đây chính là sự cản trở lớn đối với quá trình triển khai xây dựng NTM tại xã Mò Ó”. Trước tình hình đó, BCĐ chương trình xây dựng NTM của xã được thành lập do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban với nhiệm vụ trước mắt là tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong xây dựng NTM.

 

Các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng NTM được ban hành và chỉ đạo trực tiếp các chi bộ cơ sở tổ chức thực hiện, đồng thời quán triệt, yêu cầu tất cả các đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc triển khai các tiêu chí xây dựng NTM. Cùng với đó là quan tâm đến công tác tuyên truyền về mục đích cũng như lợi ích của phong trào trên địa bàn xã cho các trưởng bản và những người có uy tín. Sau khi các tổ chức, đoàn thể có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch về chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương từ cán bộ cốt cán đến các trưởng ban, ngành, đoàn thể và ban cán sự các xóm, bản vừa trực tiếp chỉ đạo, vừa làm gương vận động vợ con, anh em họ hàng hiến đất, ngày công làm đường giao thông, thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp...

 

Tranh thủ sự hỗ trợ vốn từ các chương trình, dự án, địa phương đã vận động nhân dân tích cực sản xuất để tăng thu nhập, thực hiện thêm nhiều mô hình mới như xây dựng “ngân hàng bò giống”, chăn nuôi bò nhốt chuồng hay phát triển mô hình trồng sả... Chỉ trong thời gian tập trung tuyên truyền vận động, các thôn bản trên địa bàn xã Mò Ó đã có sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM, đặc biệt nhiều hộ đã tiên phong hiến đất, hiến cây để mở rộng đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu như hộ ông Hồ Văn Thuận, thôn Phú Thiềng đã tình nguyện hiến 200 m2 đất cùng hàng chục cây cao su đang cho thu hoạch; bà Pỉ Thiết, thôn Phú Thiềng đã vận động con cháu hiến hơn 300 m2 đất cùng hàng chục cây ăn quả có giá trị để làm đường giao thông liên thôn...

 

Không chỉ chung sức mở rộng đường giao thông thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân xã Mò Ó còn hăng hái thi đua lao động sản xuất để cải thiện đời sống. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình tổng hợp đem lại thu nhập khá cao, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ của hộ ông Hồ Văn Hia, thôn Phú Thiềng; mô hình chăn nuôi lợn thịt kết hợp nuôi bò cái sinh sản của hộ ông Phan Thanh Hùng, thôn Phú Thành...Trong sản xuất, người dân đã biết liên kết, thành lập các tổ hợp tác để chủ động hơn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chẳng hạn như tổ hợp tác sản xuất dưa hấu tại thôn Phú Thành.

 

Thông qua các chương trình tập huấn, chuyển giao KHKT, người dân đã chủ động hơn trong việc tìm tòi, áp dụng KHKT vào sản xuất, tìm kiếm những giống lúa, cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập... Đến với xã Mò Ó bây giờ, khắp các nẻo đường, trên các xóm, bản đường sá đi lại thuận lợi hơn, không còn cảnh gồ ghề, lầy lội như trước đây. Đồng chí Hồ Văn Do cho biết thêm: “Sau hơn 6 năm xây dựng NTM, xã Mò Ó đã đạt 9/19 tiêu chí, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 33,9%, giảm 6,7% so với năm 2016, thu nhập bình quân phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt 14 triệu đồng/người/năm.

 

Đời sống của người dân đã có sự cải thiện rõ nét so với những năm trước đây. Hiện nay, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong chương trình xây dựng NTM”. Quá trình xây dựng NTM ở Mò Ó hôm nay thêm một lần nữa khẳng định rằng, ở nơi nào có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của nhân dân thì ở đó, chương trình xây dựng NTM sẽ thành công. Với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Mò Ó, những kết quả đạt được hôm nay chính là bước đệm quan trọng để địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Lệ Như
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 423
  • Tháng hiện tại: 37050
  • Tổng lượt truy cập: 3799806