Phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/07/2015 08:07 - Người đăng bài viết: admin
Tính đến tháng 6/2015, tỉnh Quảng Trị có 3 xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM); có 12 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 59 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 40 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có trên 15% số xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả đó, tỉnh có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, trong đó vai trò “chủ thể” của người dân đã được phát huy tích cực.
Lễ phát động phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới

Lễ phát động phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới

Dân tự nguyện hiến đất 

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM, qua 4 năm thực hiện (2010-2014) toàn tỉnh đã huy động và lồng ghép nguồn kinh phí đầu tư vào nông thôn đạt 5.250.979 triệu đồng. Trong đó, ngân sách cấp hỗ trợ trực tiếp là 294.126 triệu đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 3.740.015 triệu đồng, vốn DN, HTX: 690.689 triệu đồng; tổng nguồn lực đóng góp của nhân dân gồm tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền là 585.967 triệu đồng. Điều này cho thấy sự đóng góp của cộng đồng xã hội và người dân địa phương vào chương trình NTM là rất lớn.
Xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, tạo tiền đề hoàn thiện các tiêu chí còn lại nên chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) đã ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới giao thông. Để xây dựng con đường dẫn vào trung tâm xã người dân đã hiến hơn 2.300 mđất mở rộng tuyến đường và đổ nhựa cấp phối. Phong trào hiến đất mở rộng đường dẫn vào các thôn đã được người dân hưởng ứng tích cực. Nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương đã nêu gương đi trước bằng việc tự nguyện hiến đất, hiến cây, tài sản trên đất nên việc chỉnh trang nông thôn ở Vĩnh Chấp đã thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo người dân. Đến nay, toàn xã đã hiến được gần 4.500 m2 đất. Trong phong trào này nổi lên nhiều tấm gương tiên phong tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất như hộ: Đỗ Văn Toàn, Nguyễn Hữu Dũng (thôn Bình An), Phạm Thị Lý (thôn Tây Sơn)… 

Là một hội viên nông dân, để góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Hồ Văn Loan, thôn Xary, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) đã hiến trên 5.600 m2 đất trồng cà phê để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường THCS và trạm y tế. Ở xã Hải Lâm (Hải Lăng) đã có 130 hội viên nông dân tự nguyện hiến 5.000 m2 đất sản xuất và di dời 18 ngôi mộ để mở rộng đường giao thông nông thôn; các hội viên nông dân xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) đã hiến 49.000 m2 đất, giải tỏa 20.000 m bờ rào, chặt hạ 2.650 cây lâu năm để xây dựng đường liên thôn dài 10 km... 

Toàn huyện Triệu Phong hiện có hơn 1.250 hộ dân tự nguyện hiến 167.861 mđất; đóng góp hàng chục ngàn ngày công, hơn 4,7 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng NTM. Tiêu biểu như khu dân cư Anh Tuấn, xã Triệu Tài huy động trên 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn; khu dân cư Đạo Đầu, xã Triệu Trung vận động người dân di dời 1.200 ngôi mộ để giải phóng trên 24 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Ngô Xuân Thiển, ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) cho biết: “Nhà tôi có một mảnh đất trị giá khoảng 50 triệu đồng nhưng khi địa phương xây dựng NTM, mảnh đất nằm ở khu vực phải giải tỏa, tôi đã tự nguyện hiến gần 200 m2 đất cho thôn”. 

Cũng giống như ông Thiển, ông Phạm Như Cẩn ở thôn Câu Nhi, xã Hải Tân (Hải Lăng) là tấm gương tiêu biểu trong đóng góp xây dựng NTM. Gia đình ông Cẩn tự nguyện đập bỏ tường rào bê tông dài gần 40 m mới xây mà không yêu cầu đền bù. Ngoài ra còn nhiều điển hình hiến đất xây dựng NTM như ông Hồ Văn Thủy, Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo (Đakrông) hiến 650 m2 đất trồng cà phê để xây trường học; ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Đại Hào, xã Triệu Đại (Triệu Phong) hiến 750 mđất xây dựng chợ Thuận… 

Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo 

Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Hải Lăng đã có cách làm sáng tạo là lồng ghép vào chủ đề “Chỉnh trang nông thôn”. Đến nay, toàn huyện Hải Lăng đã phát quang, mở rộng 212,736 km đường giao thông, làm mới được 32,327 km đường giao thông (trong đó bê tông hóa đường trục thôn, ngõ xóm 12,353 km và cứng hóa đường trục chính nội đồng 19,97 km); cấp phối được 113,345 km đường giao thông gồm các trục đường thôn, đường trục chính nội đồng, đường ngõ xóm... Trong quá trình thực hiện, huyện đã vận động nhân dân hiến gần 130.000 m2 đất, huy động được hơn 19.800 ngày công để phát quang, mở rộng đường. 

Huyện cũng đã phát động phong trào “Thắp sáng đường quê” để đưa điện về chiếu sáng đường quê với tổng chiều dài đường giao thông được thắp sáng hơn 158 km gồm 3.976 bóng đèn điện các loại, ước tổng kinh phí thực hiện 2,114 tỷ đồng. Đến nay có 92/95 thôn ở Hải Lăng hoàn thành phong trào “Thắp sáng đường quê”. Ngoài ra, huyện đã phát động mạnh mẽ phong trào cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn tược với 2.229 hộ sửa sang hàng rào và cổng, 1.237 hộ xây dựng mới và sửa chữa nhà cửa, 984 hộ xây mới, cải tạo chuồng trại chăn nuôi. Những phần việc được triển khai trong chủ đề chỉnh trang nông thôn đã góp phần tạo ra diện mạo tươi mới ở vùng nông thôn Hải Lăng. 

Ban đầu xã Gio Sơn (Gio Linh) không phải là địa phương được huyện Gio Linh chọn làm xã điểm để xây dựng NTM. Nhưng chính quyền địa phương và người dân đã ý thức được việc xây dựng NTM là mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống. Do đó, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền để mọi người dân hiểu, sau đó bàn bạc dân chủ công khai. Nhờ vậy, chương trình xây dựng NTM ở Gio Sơn đã nhận được sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của người dân. Đến nay, Gio Sơn đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng NTM, trong đó nổi bật là các tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, chợ nông thôn, thu nhập, giáo dục, y tế... 5 tiêu chí còn lại đang được xã Gio Sơn nỗ lực triển khai thực hiện, dự kiến đến cuối năm 2015 xã sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí, trở thành xã đạt chuẩn NTM. 

Năm 2012, trong lễ phát động phong trào xây dựng NTM, chính quyền xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) tổ chức cho các đơn vị được phân công trách nhiệm ký cam kết thi đua “Vĩnh Thủy chung tay xây dựng NTM”. Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trực tiếp đảm nhận theo từng phần việc tùy thuộc vào chức năng và lợi thế của mình để chỉnh trang nông thôn. Nhờ vậy đã có sự thi đua, tích cực trong triển khai xây dựng NTM. Và hiệu quả mang lại là xã Vĩnh Thủy trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM. 

Trao đổi xung quanh phương pháp vận dụng chủ trương và cách làm sáng tạo của từng địa phương, đồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết: “Trong xây dựng NTM, có địa phương lựa chọn tiêu chí dễ, cần ít vốn tập trung làm trước theo phương châm “dễ trước khó sau”; có địa phương chọn tiêu chí mang tính đột phá, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện, tạo nền tảng thực hiện các tiêu chí còn lại. Hầu hết các xã điểm của tỉnh lấy tiêu chí mở rộng đường giao thông, xây dựng thủy lợi nội đồng, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo... làm điểm xuất phát trong xây dựng NTM. Nhờ những cách làm hay, sáng tạo nên phong trào xây dựng NTM ở nhiều địa phương đã thu được thành quả quan trọng”. 

Những khó khăn cần tháo gỡ 

Hiện nay trong xây dựng NTM ở các địa phương của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí như giảm hộ nghèo, cơ cấu lao động, môi trường... Muốn hoàn thành những tiêu chí này, ngoài việc huy động nguồn lực trong dân, địa phương cần dựa nguồn huy động từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực từ nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và con em quê hương trong xây dựng NTM còn hạn chế. Hạ tầng nông thôn ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số nơi còn xem NTM là một chương trình mục tiêu do nhà nước đầu tư nên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; người dân chưa chung sức trong việc thực hiện các tiêu chí. 

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, để huy động nguồn lực xây dựng NTM, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và các đơn vị, địa phương cùng chung sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Có cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên chế biến nông, lâm, thủy sản và dịch vụ nông thôn. Ðể tháo gỡ khó khăn, bất cập trong xây dựng NTM, UBND tỉnh đã xây dựng đề án “Huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2014 -2020”. Tất cả nội dung xây dựng NTM phải được thực hiện theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phát huy nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, ưu tiên đầu tư những công trình trọng yếu. Đối với những địa bàn hạ tầng còn yếu kém, lãnh đạo các huyện, xã cần quan tâm ưu tiên đầu tư giải quyết những công trình trọng yếu, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách, sự chênh lệch giữa các xã trong xây dựng NTM. Các địa phương nên tiếp tục thực hiện rà soát các tiêu chí và lên kế hoạch cụ thể thực hiện các tiêu chí theo hướng dễ làm trước, khó làm sau. 

Trong năm 2015 cần đẩy mạnh phong trào “Quảng Trị chung tay xây dựng NTM”, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM phải thường xuyên thực hiện sơ kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo, nhân rộng các mô hình, biểu dương, khen thưởng các phong trào để động viên nhân dân. Đặc biệt luôn xác định người dân là chủ thể chính của chương trình. Có như vậy mới huy động được sức mạnh từ cộng đồng tích cực tham gia xây dựng NTM, giúp tỉnh sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”. 
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 713
  • Tháng hiện tại: 40991
  • Tổng lượt truy cập: 3757492