Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/06/2015 22:35 - Người đăng bài viết: admin
Nằm về phía Đông - Bắc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), xã Vĩnh Thái có địa hình không mấy thuận lợi. Giữa cát trắng bời bời của vùng gò đồi ven biển này là những vệt dài xanh thẩm của những cánh rừng cây lâm nghiệp và những ngôi làng bình dị.
Người dân làm đường giao thông nông thôn

Người dân làm đường giao thông nông thôn

     Trong những câu chuyện kể về làng mạc, biển khơi, người Vĩnh Thái thường nhắc đến cụm từ: “Vĩnh Thái vừa dài, vừa rộng”. Có lẽ đúng, bởi không có địa phương nào ở huyện Vĩnh Linh phân bố dân cư dài đến hàng chục cây số như ở Vĩnh Thái, ngư trường thì rộng lớn. Vẫn biết trong câu nói ấy còn có chút ẩn ý hài hước của những người dân thôn quê mộc mạc, chân chất nhưng xem ra để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng bãi ngang trong điều kiện “vừa dài, vừa rộng” như Vĩnh Thái quả thật không dễ. 

     Địa giới hành chính của xã Vĩnh Thái khá rộng, giáp ranh với 4 xã, trong đó khu dân cư gồm 7 thôn bố trí dọc theo chân sóng. Từ Tân Thuận, thôn giáp ranh với xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh) ra đến Mạch Nước, thôn cuối cùng tiếp giáp với xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có chiều dài 14 km. Do người dân chuyên làm nghề chài lưới nên việc bố trí, hình thành các làng mạc cũng cách xa nhau và phụ thuộc vào địa tầng, con nước, hướng gió. Vĩnh Thái có diện tích tự nhiên 1.430 ha, dân số 3.150 người. Ở vào vùng cát di động này thì ngoài việc chuyên trồng các loại cây lâm nghiệp để chắn cát, chắn gió như dương liễu, tràm, keo, Vĩnh Thái không có điều kiện để canh tác các loại cây công nghiệp. Toàn xã chỉ có 32 ha lúa, 128 ha trồng hoa màu. 
     Ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thu nhập của người dân Vĩnh Thái lâu nay chủ yếu dựa vào khai thác biển. Nhưng ở vào vùng bãi ngang, Vĩnh Thái không có điều kiện để mua sắm thuyền to máy lớn đánh bắt xa bờ...”. 

     Chính vì vậy, nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thái gặp quá nhiều khó khăn. Vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo xã trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn là công tác tuyên truyền. Làm thế nào để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng tầm quan trọng của chương trình; cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể phải xác định rõ vị trí, vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai thực hiện thì chương trình mới sớm hoàn thành. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, tiến hành khảo sát thực trạng theo 19 tiêu chí để xác định được thuận lợi, khó khăn, chọn các nhóm tiêu chí để ưu tiên triển khai thực hiện trước. 

     Qua khảo sát trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thái mới có 5 tiêu chí đạt chuẩn, đó là: Hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng- an ninh luôn được giữ vững và các tiêu chí về điện sinh hoạt, chất lượng giáo dục, đời sống văn hóa đạt chuẩn. Thuận lợi nhất của xã đó là sự đoàn kết trong hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể vững mạnh; các công trình phúc lợi công cộng, dân sinh, kinh tế đã có cơ sở nền móng cho việc nâng cấp, phát triển; việc quy hoạch khu dân cư, đồng ruộng, hạ tầng thiết yếu cơ bản ổn định. 

     Qua 4 năm tích cực huy động tổng nguồn lực trong xã để xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Thái hoàn thành thêm được 5 tiêu chí. Trao đổi với ông Nguyễn Hải An, Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi được biết Vĩnh Thái hiện còn 9 tiêu chí chưa đạt nhưng tiêu chí nào cũng đòi hỏi sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, riêng địa phương cùng một lúc không thể làm được. Trong 9 tiêu chí như: Thủy lợi, giao thông, cơ sở vật chất trường học, y tế, môi trường, chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, khu trung tâm văn hóa thể thao, tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề thì khó nhất vẫn là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. 

     Ông Nguyễn Hải An cho biết thêm, hiện tại tất cả các tiêu chí này đã có nhưng để đạt chuẩn thì phải cần tới trên dưới 50 tỷ đồng mới làm được. Như cơ sở vật chất trường học chẳng hạn, phải cần khoảng 20 tỷ đồng. Hiện tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở còn thiếu phòng học, phòng chức năng; trường mầm non đang ở sát biển phải dời vào địa điểm mới để đảm bảo an toàn cho trẻ, giảm sự phá hủy của gió biển đối với công trình cũng như các trang thiết bị dạy học. 

     Khó khăn lớn nhất của Vĩnh Thái đó là chưa có điều kiện để phát triển các loại hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại có quy mô lớn. Nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào khai thác hải sản. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đã đạt 21,5 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình trong toàn huyện gần 9 triệu đồng. Một số cơ sở hạ tầng được xây dựng đã lâu hiện nay không còn phù hợp, nhiều công trình xuống cấp; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn trên 10,7% và có gần 30% số hộ cận nghèo. 

     Để hướng đến mục tiêu đạt chuẩn về nông thôn mới, Đảng uỷ xã đã đề ra một số giải pháp như: Phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; lấy các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để phát huy nội lực trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong gương mẫu trong các phong trào thi đua nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Quan tâm đến việc đào tạo nghề cho nông dân để chuyển hướng đầu tư phát triển ngành nghề - dịch vụ... 

     Vĩnh Thái đã làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; đánh giá đúng thực trạng của các tiêu chí, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch sát đúng; chọn nhóm tiêu chí để ưu tiên đầu tư làm trước. Trong đó chú trọng đến nhóm 2 và nhóm 3, bao gồm các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất - thiết chế văn hoá, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, bưu điện, mức thu nhập đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Vĩnh Thái đang hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bền vững, từng bước hiện đại, gắn nông - ngư nghiệp phát triển nhanh với công nghiệp - dịch vụ, thương mại, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. 
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: PHƯƠNG MAI
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 950
  • Tháng hiện tại: 40029
  • Tổng lượt truy cập: 3756530