Ghi nhận kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/01/2014 08:15 - Người đăng bài viết: admin
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ban hành tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Sau 3 năm triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của UBND tỉnh và BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp, trong 3 năm qua (2011-2013) tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh: Ban Chỉ đạo tỉnh họp tổng kết công tác XD NTM năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Ảnh: Ban Chỉ đạo tỉnh họp tổng kết công tác XD NTM năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

Đó là:
          1. Đã kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chỉ đạo và điều hành ở các cấp (tỉnh, huyện, xã); đã ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh; Phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban chỉ đạo tỉnh; Thành lập và kiện toàn Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh và đã ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho các thành viên của Văn phòng điều phối tỉnh nhằm tham mưu cho BCĐ tỉnh thực hiện các nội dung của Chương trình. Ở các xã và thôn/bản đã thành lập Ban Quản lý cấp xã và Ban Phát triển thôn/bản. Ngoài ra các huyện, thị xã thành lập Tổ giúp việc cho BCĐ, tiến tới thành lập Tổ điều phối nông thôn mới cấp huyện
          2. Công tác tuyên truyền, vân động thực hiện đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu đã tạo được sự chuyển biến rõ nét nhận thức của người dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào; thu hút được sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng, tự giác tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh bằng những việc thiết thực, đóng góp công sức thực hiện dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh sản xuất, chỉnh trang nông thôn, hiến đất, góp công để làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế. Ngoài việc tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hinh tỉnh, Trang Báo Quảng Trị, Báo Nông nghiệp Việt Nam, xây dựng “Đặc san xây dựng NTM“ trang Website nông thôn mới Quảng Trị, in ấn các tờ rơi, sổ tay... đã chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt về xây dựng nông thôn mới tới các địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các địa phương, đơn vị còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, xây dựng các Panô, áp phích... Các khối Mặt trận, Phụ nữ, Nông dân, Hội CCB, Hội người cao tuổi, các tổ chức chính trị xã hội khác và các hội kỹ thuật, nghề nghiệp-xã hội  đã cụ thể hoá phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” gắn với các cuộc vận động và nội dung phong trào thi đua thực hiện các tiêu chí cụ thể về xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn dân cư... Trong 3 năm đã phát hành gần 120 số báo và 02 đặc san NTM, 150 chuyên mục, phóng sự trên Đài truyền hình tỉnh, phát hành 220 số Báo Nông Nghiệp Việt Nam cung cấp cho 117 xã.. Ngoài ra còn có hàng trăm tin, bài liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị liên quan; đã phát hành và phân bổ 50.000 tờ rơi các loại, 8.717 sổ tay hướng dẫn nông thôn mới cấp xã, 2.734 bộ tài liệu cập nhật các hướng dẫn mới nhất về thực hiện chương trình MTQG nông thôn mới. Hệ thống đài truyền thanh, trang thông tin điện tử của huyện trong 3 năm đã tổ chức 1.183 đợt tuyên truyền, với trên 35.000 người tham gia....
          3. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về xây dựng NTM đã được chú trọng về đối tượng tham gia và nội dung truyền đạt.  Trong 3 năm đã tổ chức 03 lớp tiểu giáo viên cấp tỉnh cho 97 học viên là những người làm công tác xây dựng nông thôn mới của các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, thành viên VPĐP và lãnh đạo, chuyên viên các huyện; 123 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp huyện, cán bộ chủ chốt UBND các xã và Ban phát triển các thôn với 6.386 lượt người tham gia. Khối mặt trận và các đoàn thể cũng đã tổ chức 19 lớp tập huấn cho cán bộ các hội, đoàn thể, với 2.235 người tham gia
         4. Công tác xây dựng quy hoạch và đề án nông thôn mới, mặc dù triển khai trên diện rộng, lực lượng đơn vị tư vấn lập quy hoạch trên địa bàn ít nhưng đến nay cơ bản các xã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch chung; chất lượng các đồ án quy hoạch xã NTM khá cao, thể hiện rõ định hướng không gian NTM của xã gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, UBND các xã đang tổ chức công khai thực hiện quy hoạch. Hiện nay các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đề án nông thôn mới cho 31/117 xã còn lại đảm bảo tiến độ đề ra.
          5. Trong việc lựa chọn xã thí điểm xây dựng NTM, UBND tỉnh đã lựa chọn 30 xã thí điểm gồm 9 xã thí điểm của tỉnh (kể cả xã Vĩnh Thạch được Chủ tịch nước bảo trợ) và 21 xã thí điểm của các huyện nhằm tập trung nguồn lực xây dựng mô hình điểm từ đó đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mục tiêu có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Đến nay, hầu hết 30 xã thí điểm đã phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư và đã có sự chuyển biến đáng kể về diện mạo NTM, là hạt nhân trong các phong trào thi đua xây dựng NTM tại mỗi địa phương. Số tiêu chí đạt được của các xã thí điểm khá cao: phần lớn các xã đạt trên 10 tiêu chí, trong đó có 1 xã đạt 16 tiêu chí (Vĩnh Kim), có 3 xã đạt 15 tiêu chí (Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thạch).
          6. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới: Trong 3 năm qua, mặc dù nguồn lực đầu tư trực tiếp của Chương trình có hạn, nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) tự cân đối còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao và sự chỉ đạo có hiệu quả của UBND tỉnh, BCĐ các cấp và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể nên đã có sự đóng góp đáng kể cho phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; các phong trào thi đua hiến kế, hiến đất, hiến công phát triển rộng khắp. Theo số liệu thống kê của các địa phương, trong 3 năm qua tổng các nguồn lực đã huy động được là 8.482.342 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình: 57.604 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 54.950 triệu đồng; Vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 3.155.066 triệu đồng; Vốn Tín dụng: 4.411.000 triệu đồng; Vốn Doanh nghiệp, HTX: 408.883 triệu đồng; Vốn Nhân dân đóng góp bằng tiền mặt và hiện vật quy ra tiền là 353.415 triệu đồng và đóng góp của con em làm ăn xa quê hương 41.424 triệu đồng. Với những nguồn lực trên, riêng trong 2013 đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp được: 134,4 km đường giao thông nông thôn, 32,4 km đường giao thông nội đồng, 19 cầu cống, 5 trạm bơm nước, 119 công trình nước sạch tập trung, 13 khu xử lý gom rác thải, 10 chợ nông thôn, nâng cấp 119 phòng học, 4 nhà văn hóa xã, 35 nhà văn hóa thôn, 1 khu thể thao xã, nâng cấp 14 trạm y tế; Ngành điện đã đầu tư xây dựng mới 17 km đường dây trung áp, 93,4 km đường dây hạ áp, sửa chữa 4,9 km đường dây trung áp, 136,7 km đường dây hạ áp, xây dựng mới và sửa chữa 33 trạm biến áp...
          7. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng và đẩy mạnh thường xuyên. Nổi bật nhất trong phát triển sản xuất ở các địa phương là việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, ném...; nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; trồng rừng sản xuất; phát triển kinh tế trang trại; xây dựng nhiều vùng chuyên canh đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ngành Nông nghiệp & PTNT, cùng các địa phương đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng/năm (Trong đó hỗ trợ từ nguồn CTMT NTM trong 3 năm là 7.740 triệu đồng/năm) để thực hiện các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình này lên 15 - 25% so với mức bình quân chung> Riêng trong năm 2013 đã xây dựng thêm 55 mô hình phát triển sản xuất (trồng trọt 15 mô hình, chăn nuôi 26 mô hình, thủy sản 1 mô hình và các lĩnh vực khác 13 mô hình). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 năm (2011-2013) đã tổ chức đào tạo cho trên 17.000 người, trong đó dạy nghề nông nghiệp gần 14.500 người. Bước đầu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên  39,2%, trong đó đào tạo nghề đạt 29,44%.
          8. Các mặt hoạt động khác như giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường vẫn được duy trì phát triển theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra: Đến nay, số trường ở khu vực nông thôn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 140/352 trường, tỷ lệ 39,7%, đang tiếp tục duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS tại 117 xã; có 28/117 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 3447 của Bộ Y tế giai đoạn 2011-2020, trong đó năm 2013 có thêm 13 xã đạt chuẩn; có 77 xã có nhà văn hóa, sân thể thao; 909 làng, bản có nhà văn hóa, khu thể thao, hơn 500 cổng chào được xây dựng kiên cố; duy trì hoạt động thường xuyên 245 thư viện và 250 tủ sách, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tinh thần cho nhân dân; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,92%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56,51%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 44,93%..
          9. Công tác xây dựng chính quyền, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp được chú trọng. Đến nay đã thu hút được 39 trí thức trẻ tình nguyện về công tác ở huyện Đakrông, tăng cường 5 công chức huyện và tỉnh về hỗ thêm cho một số xã khó khăn trọng điểm, tuyển chọn 7 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND ở 7 xã của huyện Đakrông theo chính sách luân chuyển tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo tại Quyết định số 70 của Thủ tướng Chính phủ; Cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa” ở cấp huyện, cấp xã ngày càng được tăng cường và triển khai có hiệu quả. Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; thực hiện tốt công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến trong đấy tranh chống tội phạm theo hướng tự phòng, tự quản, tự hòa giải tại cơ sở... Vì vậy, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được ổn định, công tác bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo được tăng cường; gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội tại các địa bàn trọng yếu.
          Với những kết quả đã đạt được trong 3 năm qua, huy vọng trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; chỉ đạo tích cực, quyết liệt hơn nữa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp- nông thôn, thực hiện đạt chỉ tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, tạo đà phát triển vững chắc và bền vững cho giai đoạn tiếp theo của Chương trinh XD NTM trên địa tỉnh.
                                                                    
Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Đức Dưỡng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 842
  • Tháng hiện tại: 39921
  • Tổng lượt truy cập: 3756422