Nỗ lực lấy lại thương hiệu cho rượu Kim Long

Đăng lúc: Thứ ba - 14/11/2017 09:14 - Người đăng bài viết: admin
Thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng có truyền thống nấu rượu thủ công hơn 200 năm. Rượu Kim Long đã từng có thời gian được xuất khẩu sang tận nước Pháp (vào thời Pháp thuộc). Trải qua nhiều biến cố thời cuộc, hiện nay làng nghề nấu rượu truyền thống Kim Long vẫn được giữ gìn và phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều năm qua, rượu Kim Long nức tiếng khắp gần xa lại được bán lẻ theo dạng thô, chưa có thương hiệu của làng và cũng chưa có thị trường ổn định cho sản phẩm.
Bà Gái giới thiệu các loại rượu Kim Long nồng đượm được đựng trong những hủ sành đẹp mắt

Bà Gái giới thiệu các loại rượu Kim Long nồng đượm được đựng trong những hủ sành đẹp mắt

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về làng nghề nấu rượu Kim Long trứ danh, anh Hoàng Ngọc Thập, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, làng Kim Long có 450 hộ thì có đến 300 hộ gia đình nấu rượu. Trung bình mỗi năm, làng Kim Long sản xuất được trên 90.000 lít rượu. Rượu Kim Long hiện nay có 3 loại, gồm: rượu thảo dược (rượu gạo tím Thái, rượu gạo bồ đề), rượu nếp được nấu từ gạo nếp và cuối cùng là rượu gạo được nấu từ gạo trắng.

 

Nghề nấu rượu của làng Kim Long được hình thành cách đây hơn 200 năm, nức tiếng vào thời Pháp thuộc và phát triển cho đến ngày nay. Nhưng phải đến năm 2014, làng Kim Long mới được cấp chứng nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay, rượu Kim Long được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Nam, chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, chưa có thị trường ổn định. Năm 2015, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành chức năng mở 2 lớp dạy nghề làm men rượu cho hơn 90 học viên, là các chủ lò nấu rượu trong thôn để người dân chủ động hơn trong khâu sản xuất men.

 

Vừa qua, trước nhiều ca ngộ độc rượu trong cả nước, dư luận nghi ngờ rượu nấu có vấn đề về chất lượng. Trước tình trạng ấy, vào tháng 5/2017, ngành chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện làng nghề nấu rượu Kim Long. Kết quả, rượu của làng hoàn toàn đạt chất lượng. Cũng từ đó, thương hiệu, uy tín rượu Kim Long càng được nâng cao” anh Thập cho hay.

 

Theo chân anh Hoàng Ngọc Thập, chúng tôi về nhà bà Nguyễn Thị Gái (60 tuổi). Gia đình bà Gái có truyền thống nấu rượu đế, rượu gạo cha truyền con nối từ đời ông nội. Riêng bà đã có hơn 45 năm kinh nghiệm trong nghề nấu rượu. Nhà bà Gái nấu 3 loại rượu gồm: rượu thảo dược được bán ra thị trường với giá 75.000 đồng/lít, rượu nếp có giá 45.000/ lít và rượu gạo có giá 25.000 đồng/lít. Bà Gái dẫn chúng tôi “mục sở thị” lò nấu rượu của gia đình và cho chúng tôi nếm thử thứ rượu ngon nhất mà bà vừa nấu được.

 

Nhà bà Gái và hầu hết những hộ nấu rượu khác trong thôn đều nấu rượu bằng phương thức “thủy thượng”, dùng nồi nhôm (hoặc đồng) và lao gỗ. Vì thế, rượu giữ được hương vị rất đặc trưng. Trung bình một ngày, bà Gái nấu được 15 nồi, tương đương với 20 lít rượu nguyên chất. Số rượu nấu ra, được bà bán đi thị trường trong tỉnh và các tỉnh khác như Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh thông qua những mối khách quen.

 

Bà Gái chia sẻ: “Mỗi ngày, gia đình tôi bán hết 20 lít rượu ngon nguyên chất. Tôi thường bán lẻ rượu cho các quán nhậu trong vùng và ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh…”. Rời nhà bà Gái, chúng tôi tiếp tục đến lò nấu rượu của ông Nguyễn Quân (60 tuổi), người có thâm niên nấu rượu hơn 20 năm.

 

Cũng như nhiều chủ lò khác, ông Quân sử dụng gạo nhà trồng, men nhà làm và nguồn nước trong vắt của làng để nấu rượu. Ông Quân chia sẻ kinh nghiệm, để có được mẻ rượu ngon, phải mất 5-6 ngày, trải qua các công đoạn nấu cơm, phơi cơm, ủ men, nấu rượu… Mọi công đoạn đều được làm thủ công, tỉ mẩn từng chi tiết. Trung bình mỗi ngày, ông nấu và bán được hơn 10 lít rượu. Hiện tại, gia đình ông và hầu hết những gia đình khác đều xuất bán rượu dưới hình thức thô.

 

“Nấu rượu xong, chúng tôi cất giữ vào những chum, can lớn rồi xuất bán cho các mối quen trong tỉnh hoặc bán lẻ vào các tỉnh thành phía Nam theo dạng thô, chưa có nhãn mác hay thương hiệu gì cả. Chúng tôi mong muốn sớm có thương hiệu riêng của rượu Kim Long do người làng Kim Long nấu để sản phẩm chúng tôi có chỗ đứng trên thị trường”, ông Quân trải lòng.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Dõng, Trưởng ban làng nghề, Trưởng thôn Kim Long cho biết, vào năm 2014, làng Kim Long được công nhận làng nghề nấu rượu thủ công truyền thống. Nhưng rượu Kim Long vẫn chưa được đăng ký thương hiệu và nhãn mác vì còn một số vướng mắc. Thời gian qua, chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực để đăng kí thương hiệu cho rượu của làng.

 

Ông Dõng trăn trở: “Trước đây, ngành chức năng đã cấp thương hiệu rượu Kim Long cho Công ty TNHH SIKAR vì công ty này từng thu mua và kinh doanh rượu của làng. Theo kế hoạch thì đến đầu năm 2018, ngành chức năng mới xem xét cấp lại thương hiệu rượu Kim Long cho làng Kim Long. Sắp tới, khi đã được đăng ký thương hiệu, nhãn mác, chúng tôi sẽ tăng cường tìm thị trường ổn định cho rượu Kim Long để người dân yên tâm giữ nghề truyền thống.

 

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để tìm hướng tiêu thụ cho rượu Kim Long nhưng vẫn chỉ mới dừng lại ở mức bán lẻ vì chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh với các loại rượu khác. Hy vọng rằng, khi có thương hiệu và nhãn mác rồi, rượu Kim Long sẽ vươn ra thị trường và đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất”.

 

Rời làng Kim Long lúc xế chiều, hương thơm nồng đượm của thứ rượu gạo, rượu nếp từng nức tiếng khắp “Nam kì lục tỉnh” vẫn còn lưu luyến quanh tôi. Tin rằng, không lâu nữa, làng nghề nấu rượu truyền thống Kim Long sẽ xây dựng được thương hiệu, nhãn mác riêng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tác giả bài viết: Trần Tuyền
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 972
  • Tháng hiện tại: 37599
  • Tổng lượt truy cập: 3800355