Mở hướng phát triển cho làng nghề nấu cao dược liệu

Đăng lúc: Thứ hai - 28/08/2017 09:09 - Người đăng bài viết: admin
Sản phẩm cao lá vằng của làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ được nhiều người biết đến và đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Quảng Trị. Tuy nhiên, vì nguyên liệu phụ thuộc tự nhiên nên nhiều lúc cung không đủ cầu. Trước thực trạng này, huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều chính sách mở hướng phát triển cho làng nghề nấu cao dược liệu.
Sản phẩm cao dược liệu ở làng nghề Định Sơn

Sản phẩm cao dược liệu ở làng nghề Định Sơn

Nghề nấu cao dược liệu trên địa bàn xã Cam Nghĩa ra đời vào khoảng năm 2000. Lúc đầu chỉ vài hộ tự vào rừng hái lá chè vằng về nấu cao nhưng đến nay đã phát triển gần 100 hộ để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Nghề này đã mang lại nguồn thu mỗi năm khoảng 14 tỉ đồng, chiếm trên 70% tổng thu nhập toàn xã Cam Nghĩa. Từ nghề nấu cao dược liệu, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu. Trung bình mỗi năm làng Định Sơn cung ứng ra thị trường trên 135 tấn cao dược liệu, trong đó chủ yếu là cao lá vằng.

 

Để sản xuất ra lượng cao thành phẩm trên, làng nghề này tiêu thụ khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi/ năm. Tuy nhiên, từ khi ra đời đến nay, nguồn nguyên liệu chính của làng nghề chủ yếu lá chè vằng do các hộ dân trong vùng tự hái và thu mua nguyên liệu tự nhiên từ người dân vùng rừng núi trên địa bàn tỉnh và một số vùng lân cận.

 

Bà Lê Thị Mịch, một trong những chủ lò nấu cao lớn ở thôn Định Sơn cho biết, “Thời gian đầu, lá chè vằng ở rừng còn nhiều nên nguồn nguyên liệu đầu vào khá dồi dào, còn những năm gần đây, phần vì người hái nhiều, phần vì diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp nên cây chè vằng tự nhiên khan hiếm hẳn. Bây giờ chúng tôi phải đặt mua nguyên liệu từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định… Vì vậy, không chỉ tăng chi phí do vận chuyển xa mà sản xuất cũng trở nên bị động. Đặc biệt, vào thời điểm mùa mưa rét từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, nhu cầu sử dụng cao dược liệu trên thị trường tăng đột biến nhưng chúng tôi lại không có nguyên liệu sản xuất vì người dân ít vào rừng hái lá”.

 

Trước khó khăn thiếu nguyên liệu đầu vào của làng nghề Định Sơn, UBND huyện Cam Lộ đã ban hành chính sách phát triển vùng nguyên liệu cao dược liệu, trong đó dự kiến thời gian tới sẽ trồng 30 ha cây chè vằng ở 6/9 xã, thị trấn trên địa bàn gồm các xã: Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa và thị trấn Cam Lộ. Hiện Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ đang tích cực phối hợp các xã, thị trấn dựng 6 vườn ươm để ươm trên 93 vạn bầu giống cây chè vằng cung ứng giống cây cho diện tích trồng mới 30 ha cây chè vằng dự kiến sẽ xuống giống vào khoảng tháng 10 - 11/2017.

 

Người dân khi tham gia dự án trồng cây chè vằng đợt này với vùng tập trung từ 0,5 ha trở về sẽ được UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, công làm đất với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện cho người dân tham gia dự án trồng cây dược liệu vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBDN về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020.

 

Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ sẽ về tận các vươn ươm cây giống và hộ gia đình tham gia dự án trồng cây chè vằng để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng quy trình. Dự án trồng cây dược liệu trong đó có cây chè vằng của huyện Cam Lộ nhận được sự đồng thuận cao người dân trên địa bàn, nhất là nông dân vùng Cùa. Trở lại làng Định Sơn, chúng tôi gặp anh Võ Văn Thành, con trai của bà Mịch, một trong những người tiên phong nhận làm vườn ươm giống cây chè vằng. Trong khi các hộ làm vườn ươm khác đang giai đoạn đổ bầu, xuống giống thì trên 31 vạn cây giống mà gia đình anh Thành ươm nay đã bén rễ, đâm chồi.

 

Anh Thành giải thích: “Từ nhỏ đã phụ mẹ nấu cao lá vằng, lớn lên gia đình tôi 6 anh em đều theo nghề nấu cao của mẹ. Nhờ nghề này mà anh em chúng tôi có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống gia đình đảm bảo. Tôi rất mong muốn địa phương sẽ có một vùng nguyên liệu đủ lớn để chủ động sản xuất. Thực tế hiện nay nhu cầu thị trường về cao dược liệu nói chung và cao lá vằng nói riêng không đủ cung ứng cho thị trường, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguyên liệu sản xuất. Nếu chủ động được nguồn nguyên liệu không chỉ gia đình tôi, mà người dân nấu cao làng Định Sơn đều có thể đầu tư mở rộng sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Vì vậy, không đợi chờ hoàn thành thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất, gia đình tôi đã chủ động vay vốn ngân hàng với lãi suất thông thường trên thị trường làm vườn ươm để kịp thời vụ”.

 

Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện Cam Lộ, một cây chè vằng sau một năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch với chu kỳ khai thác 2 lần/năm, sản lượng mỗi lần thu hoạch khoảng 5 lạng - 1 kg lá tươi. Để cung ứng nguồn nguyên liệu cho làng nấu cao dược liệu Định Sơn, huyện Cam Lộ cần có 130 ha cây chè vằng.

 

Thực tế trồng thử nghiệm cây chè vằng tại địa phương cho thấy loại cây này khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Cam Lộ. Với hiệu quả kinh tế của làng nấu cao dược liệu Định Sơn đã khẳng định trong những năm qua và quyết tâm của huyện Cam Lộ trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, tạo thành một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, tin tưởng rằng nghề nấu cao dược liệu ở làng nghề này sẽ được chắp cánh thương hiệu, vươn xa hơn nữa trong nay mai.

Tác giả bài viết: Lâm Thanh
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Bo Nong nghiep Ptnt
Cuc KTHT va PTNT
Cuc CBTM THSVNM
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
So NN&PTNT
nong thon moi

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 780
  • Tháng hiện tại: 26503
  • Tổng lượt truy cập: 3743004